Tiếng khóc và cử chỉ cơ thể chính là cách để trẻ sơ sinh giao tiếp, biểu đạt nhu cầu với cha mẹ mình.
- Quặn Lòng: Mẹ ơi, mắt của con “trốn” đi đâu rồi?
- Lai Châu: Ai chỉ đạo đẩy 137 cán bộ y tế bỗng dưng mất việc ra đường
- Thái Bình: Bác sĩ bị hành hung và thương tật 14% phải phẫu thuật chỉnh xương mũi
Ngay từ khi mới sinh, bé đã có nhiều nhu cầu muốn bố mẹ thấu hiểu nhưng lại chỉ có thể biểu lộ qua tiếng khóc và các cử chỉ cơ thể đáng yêu. Cách thấu hiểu trẻ sơ sinh dễ dàng nhất chính là phân biệt tiếng khóc và ngôn ngữ thân thể của con để biết con đang muốn gì và cần gì như thế nào?
Dưới đây là những điều mà các chuyên gia y tế giải mã về tiếng khóc của trẻ sơ sinh để bố mẹ cùng tham khảo:
Khi con vừa mắt nhắm, mắt mở để khóc
Tiếng khóc của trẻ có nhiều ý nghĩa khác nhau
Theo các chuyên gia nhi khoa, khi con khóc theo cách này, tức là, bé bắt đầu cảm thấy buồn ngủ. Con thay đổi biểu hiện bằng tiếng khóc vừa phải, không chảy nước mắt. Khi con khóc, bố mẹ nên chuẩn bị điều kiện để con có thể ngủ ngoan như tạo không gian yên tĩnh, ấm áp bằng cách tắt tivi, nhạc, bật đèn ngủ và vỗ nhẹ lưng để ru ngủ.
Ngoài ra, khi buồn ngủ, bé cũng thường có biểu hiện dụi mắt, khóc trong khi mắt nhắm và ngáp.
Khi trẻ mở to mắt, há miệng và khóc
Tiếng khóc này cho thấy con đang đói bụng. Lúc này, tiếng khóc của bé rất to, lặp đi lặp lại, thậm chí bé còn gào thét, gắt gỏng. Mẹ hãy kiểm tra lại thời gian cho con ăn trước đó. Nếu con bú được 2-3 tiếng thì cần cho con ăn tiếp. Nếu con mới ăn chưa lâu, mẹ kiểm tra lại lượng sữa vừa cho ăn để bổ sung.
Khóc to, dữ dội sau khi ăn
Con khóc lớn ngay khi ăn thường là dấu hiệu bị đau bụng. Trẻ sẽ khó chịu cho tới khi được ợ hơi. Mẹ có thể bế bé dựa đầu vào vai mình sau đó nhẹ nhàng vuốt và vỗ nhẹ lưng bé.
Mẹ cũng có thể đặt bé lên đầu gối, một tay đỡ ngực và nâng cằm, tay kia vỗ lưng nhẹ. Mẹ nhớ lót một chiếc khăn mỏng dưới cằm con, đề phòng bé trớ ra khi ợ hơi.
Bé cất tiếng khóc đột ngột
Nếu con khóc vì buồn ngủ hoặc đói bụng, trước đó sẽ có các dấu hiệu như không chịu chơi tiếp, đột ngột trở nên trầm hơn.
Trong trường hợp con đang chơi đùa hoạt bát nhưng đột nhiên khóc, mẹ hãy kiểm tra bỉm của con. Nếu bỉm không ướt, mẹ hãy tiếp tục kiểm tra cả người con. Với các bé đang tập ăn dặm, có thể thức ăn rơi vãi, dính vào áo khiến bé khó chịu.
Hiểu tiếng khóc của trẻ giúp bố mẹ chăm sóc con tốt hơn
Con khóc to nhưng không có nước mắt
Trong trường hợp trẻ khóc gọi mẹ, gào khóc rất to, có thể bé đang đòi quyền lợi như “mẹ bế con đi”, “con muốn chơi nữa”. Khi đó, mẹ hãy nhìn vào mắt con, dỗ dành và dành thời gian chơi với con.
Hội chứng Colic - khóc dạ đề (khóc về ban đêm)
Colic là thuật ngữ dùng để mô tả trạng thái khóc không ngừng ở các bé có thể chất khỏe mạnh. Con thường quấy khóc từ 18h cho tới nửa đêm mà mẹ không thể dỗ nín.
Tuy nhiên, những thời gian khác trong ngày bé vẫn ăn ngoan, ngủ ngon thì đó là khóc dạ đề. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi con lớn lên mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Khóc dạ đề là gì đôi khi chính các bác sĩ khoa Nhi cũng không có câu trả lời. Đây không phải là một bệnh hay chẩn đoán mà bác sĩ đưa ra. Thật ra, gia đình sẽ hiểu rằng em bé nhà mình đang “bị” khóc dạ đề khi thấy có sự kết hợp của các yếu tố sau: Tuổi của bé từ 3 tuần đến 3 tháng, mỗi lần bé khóc khoảng tầm 3 tiếng đồng hồ mới thôi, một tuần như vậy bé khóc ít nhất 3 lần (thường là đêm nào cũng khóc) và kéo dài 3 tuần trở lên.
Khóc dạ đề không phải là bệnh lý, nếu con quấy khóc kèm theo những biểu hiện khác như ra mồ hôi trộm hoặc biếng ăn, cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ Nhi khoa để khám bệnh.
Bác sĩ Phan Ngọc Nga, giảng viên ngành cao đẳng Hộ sinh TPHCM chia sẻ: "Trẻ sơ sinh cũng giống như người lớn, đều có nhu cầu giao tiếp nhưng vì chưa nói được nên các em giao tiếp qua tiếng khóc. Bố mẹ cần chú ý nếu tiếng khóc của con bất thường cần xem nguyên nhân là gì và có hướng giải quyết".
Nguồn: Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn