Bộ Y tế thí điểm ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử quốc gia tại bệnh viện ở Hà Tĩnh và Hưng Yên, từ năm 2021 sẽ áp dụng cả nước.
Thông tin được ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị khoa học Dược lâm sàng lần hai tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 26/6.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 50.000 cơ sở khám chữa bệnh. 95% các cơ sở khám bệnh công lập đã dùng phần mềm quản trị đơn thuốc nhưng không đồng nhất và liên thông. 70% các cơ sở bán thuốc ứng dụng phần mềm quản trị nhưng chưa bán thuốc theo đơn.
>>> XEM THÊM:
- Đắk Nông: Bé 13 tuổi nguy kịch do biến chứng bạch hầu
- 8 bệnh viện từ chối các sản phụ chuyển dạ giữa dịch Covid-19
- Trung Quốc tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 3
Đặc biệt, người dân vẫn sử dụng sổ y bạ để mua thuốc và không xác minh được đơn thuốc. Nhà quản lý không biết bác sĩ và cơ sở khám bệnh đã kê đơn gì, ai ra toa và người bệnh đã thực hiện việc mua chưa. Vì thế, đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ góp phần khắc phục những bất cập này.
Ông Thái cho biết phần mềm đơn thuốc điện tử quốc gia hiện được Bộ Y tế thí điểm tại hai tỉnh là Hà Tĩnh và Hưng Yên. Toàn bộ đơn thuốc đã kê của các cơ sở đều gửi đến hệ thống Đơn thuốc điện tử Quốc gia và các cấp quản lý Bộ Y tế, Sở Y tế, đơn vị quản trị các đơn thuốc đã kê. Qua đó, kê đơn thuốc lưu trên phần mềm (kê đơn điện tử) sẽ kiểm soát được việc kê đơn thuốc, đặc biệt là kháng sinh.
Sau thí điểm tại hai bệnh viện trên, Bộ Y tế sẽ lựa chọn các bệnh viện đại diện cho tuyến trung ương - tỉnh - huyện để chạy thử phần mềm, áp dụng, tổ chức đánh giá.
"Từ ngày 1/1/2021 sẽ áp dụng kê đơn thuốc điện tử toàn quốc", ông Thái nói.
Sử dụng phần mềm đơn thuốc điện tử Quốc gia, người dân sẽ không cần dùng đơn thuốc trên giấy và trên sổ y bạ như trước đây. Người bệnh có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu ở Việt Nam mà đảm bảo có đơn thuốc (bằng mã đơn của chính mình). Bệnh nhân cũng có thể truy xuất toa thuốc bác sĩ đã kê cho mình, từ đó phản hồi hoặc xin tái kê đơn.
Ông Thái cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dược sĩ lâm sàng tại các bệnh viện. Thực tế trong quá trình kê đơn cho bệnh nhân, có những bác sĩ ít cập nhật, không biết được tương tác giữa các thuốc dẫn đến nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc sai, không trúng đích, lạm dụng kháng sinh, thậm chí là thực phẩm chức năng.
Trong thời điểm chưa có phần mềm kê đơn điện tử quốc gia, một số bệnh viện lớn đã có sự tham gia rất sâu của các dược sĩ dược lâm sàng giúp bác sĩ kê đơn trúng và đúng.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động Dược lâm sàng hiệu quả, đặc biệt là đối với những ca bệnh khó, bệnh cảnh phức tạp. Dược sĩ lâm sàng đã tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh được thể hiện qua số lần tham gia hội chẩn theo yêu cầu của khoa lâm sàng và tham gia hội chẩn toàn viện từ dưới 100 ca vào năm 2015 tăng lên trên 700 ca năm 2019.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vnexpress.net!