Cặp nhẫn cưới nằm gọn trong ngăn tủ. Những bức ảnh cưới còn chưa kịp làm khung. Đám cưới của Thiếu úy Tuấn phải hoãn lại, nhưng anh cũng chưa biết bao giờ mới có thể định lại ngày cưới của mình.
Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1992, là cán bộ Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Ngày 6/2/2020, anh được tăng cường về Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà – đơn vị chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các ca tiếp xúc gần trên địa bàn Vĩnh Phúc.
>>> Cập nhật thêm thông tin:
- 3.000 Nhân viên Y tế ở Vũ Hán nhiễm virus Corona - Bài học cho Việt Nam
- Số ca nhiễm virus Corona tại Đức tăng lên 2 lần sau một ngày
- Chuyện lạ: Bé 5 tháng tuổi ở Hà nội có dị tật còn đuôi bẩm sinh
Tuấn nhận nhiệm vụ công tác khi chỉ còn cách ngày cưới hơn 3 tuần. “Hôm trước, tôi và bạn gái vừa đi chụp ảnh cưới, mua nhẫn thì hôm sau, tôi nhận quyết định”, Thiếu úy Tuấn kể.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, Tuấn hiểu hoãn cưới là việc bắt buộc phải thực hiện. Bởi lẽ, dịch bệnh còn nhiều phức tạp, công việc chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Hơn nữa, người làm nhiệm vụ trong vùng tâm dịch phải thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc cách ly.
Những ngày đầu ở Quang Hà, Thiếu úy Tuấn nói dối gia đình và bạn gái rằng mình đi trực. Một thời gian sau, anh mới nói thật cho mọi người biết và chia sẻ về chuyện hoãn cưới.
“Biết tin, bạn gái tôi chỉ im lặng. Suốt nhiều ngày, cô ấy không nghe điện thoại hay trả lời tin nhắn. Tôi hiểu, cô ấy buồn và hụt hẫng rất nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.
Sau khoảng thời gian dài im lặng, bạn gái Tuấn chủ động nói chuyện lại. Cô bảo, cô đã bình tĩnh và hiểu cho anh, cũng động viên anh yên tâm công tác.
Dù vậy, Tuấn vẫn thấy rất thương bạn gái. “Dẫu sao, ngày cưới cũng là ngày trọng đại nhất cuộc đời. Hôm trước, hai đứa còn đang háo hức chuẩn bị thì hôm sau đột ngột hoãn lại mọi thứ. Tôi thấy có lỗi với cô ấy rất nhiều”, anh Tuấn bảo.
Hàng ngày, Thiếu úy Tuấn và vợ chưa cưới vẫn gọi điện động viên lẫn nhau. Thế nhưng, không ai bảo ai, họ hầu như không nhắc về kế hoạch tổ chức đám cưới. Anh và cô đều hiểu, chưa biết đến khi nào hôn lễ mới có thể định lại ngày.
“Mẹ tôi bảo, năm nay chỉ còn tháng tư có ngày đẹp, hợp tuổi để hai đứa tổ chức lễ thành hôn. Nhưng tôi cũng không biết có thể kịp về trong ngày ấy hay không”, anh Tuấn tâm sự.
Ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, công việc của Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn là nắm tình hình an ninh trật tự xung quanh và trong khuôn viên của bệnh viện.
Ngoài ra, anh cũng làm nhiệm vụ bảo vệ, theo dõi lượt người ra vào đơn vị và tuyên truyền cho các hộ dân quanh khu vực những vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh.
Anh Tuấn chia sẻ, các bệnh nhân thuộc diện cách ly hầu hết đều có ý thức chấp hành rất tốt, không ai có ý định bỏ trốn ra ngoài. Cũng không có trường hợp nào người từ bên ngoài ngang nhiên xâm nhập bởi “nhìn thấy chữ cách ly đặc biệt thôi, họ cũng sợ rồi”.
Khó khăn lớn nhất của anh chủ yếu đến từ việc làm sao để vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.
Đều đặn từ 10h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, Thiếu úy Tuấn cùng 3 cán bộ khác thay phiên nhau làm công tác trực canh gác quanh khu vực bệnh viện.
Đứng một mình giữa không gian tĩnh lặng, ảm đạm của khu cách ly về đêm càng làm cho nỗi nhớ nhà của chàng trai trẻ da diết hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ, anh Tuấn xa người thân lâu đến như vậy.
“Có những lúc yếu lòng đến rơi nước mắt. Nhưng tôi lại nhanh chóng tự động viên rằng phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng nhờ gia đình, lãnh đạo đơn vị, các đồng nghiệp luôn khích lệ, động viên tinh thần mà tôi có thể vững tâm để vượt qua khó khăn”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngày 26/2, trường hợp Covid-19 cuối cùng đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà đã được chữa khỏi và ra viện. Đây là niềm vui và sự động viên rất lớn đối với các cán bộ y bác sĩ đơn vị cũng như người làm công tác giữ gìn an ninh trật tự như Thiếu úy Tuấn.
Rất ít khi thấy anh Tuấn xuất hiện trong các khung hình vào những ngày vui như vậy. Một phần, vì anh còn bận làm công tác kiểm soát số lượng người ra vào bệnh viện.
Phần nhiều, Tuấn bảo do thấy những đóng góp của mình còn khá nhỏ bé so với sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ.
Bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện, nhưng Tuấn vẫn chưa biết đến đến bao giờ mới có thể trở về nhà. Bởi lẽ, Phòng khám cần tiếp tục theo dõi các bệnh nhân thuộc diện cách ly và tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tuấn bảo, anh không coi những quyết định của mình là sự hy sinh. Chỉ đơn giản, anh đang hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ công an, góp sức nhỏ bé vào trận chiến chống dịch của cả cộng đồng.
“Khi dịch tan, tôi sẽ sớm trở về với gia đình để thực hiện những kế hoạch còn dang dở”, anh Tuấn nói.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!