Dù hôn mê thời gian dài song phi công Anh, bệnh nhân 91 mắc Covid-19 vẫn có thể nhớ được mật khẩu điện thoại, máy tính bảng và hiện đang tập thở ngắt quãng.
Đến hôm nay, sau 1 tuần ngừng ECMO, phi công Anh bệnh nhân 91 mắc Covid-19, 43 tuổi, quốc tịch Anh tiếp tục tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức cơ tay, chân chưa tăng thêm nhưng bệnh nhân có thể tự dùng tay bấm bàn phím điện thoại và thực hiện một số vận động tinh tế khác.
>>> Cập nhật tin tức mới nhất:
- Người phụ nữ 54 tuổi và có đến 95 lần hiến máu tình nguyện
- Bệnh nhân 91 tự ngồi dậy và bấm nút chỉnh giường
- Có khoảng 1.000 trẻ dậy thì sớm, mất 20cm chiều cao khi lớn
Đặc biệt, bệnh nhân vẫn có thể nhớ mật khẩu điện thoại, máy tính bảng dù hôn mê thời gian dài.
Phổi bệnh nhân cải thiện nhiều, chỉ cần sử dụng oxy nồng độ thấp. Các bác sĩ đang tập cho bệnh nhân tự thở bằng cách ngưng máy thở ngắt quãng.
Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng gan, tim, tiêu hoá tốt lên, tình trạng chướng bụng giảm, bệnh nhân có thể ăn 1 lít soup xay mỗi ngày.
Bệnh nhân 91 cũng đang đáp ứng rất tốt với thuốc kháng sinh và kháng nấm để điều trị nhiễm trùng nên hiện tại, bác sĩ đã ngưng dùng 1 loại kháng sinh, bệnh nhân tiếp tục giảm sốt.
Dù vậy, sức cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu, sức cơ tay, chân chưa hồi phục do đó những ngày tới, bệnh nhân tiếp tục tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày kết hợp dinh dưỡng tốt.
Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 84 ngày điều trị, là trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại.
Sau nhiều tuần rơi vào trạng thái hôn mê, tiên lượng khó qua khỏi, 3 tuần trở lại đây, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, từ tỉnh táo, bệnh nhân có thể mỉm cười, cai ECMO, tự cầm cốc uống nước, có thể ngồi dậy, đung đưa 2 chân, vẫy tay chào bác sĩ, nói chuyện với nhân viên y tế…
Việc bệnh nhân hồi phục ngoài mong đợi khiến các chuyên gia của Bộ Y tế và Tiểu ban đầu trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân tiến triển nhanh đến vậy.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, trước đây khi bệnh nhân nguy kịch, Ban chỉ đạo đã thành lập tổ chuẩn bị ghép phổi cho bệnh nhân, coi đây là phương án cuối cùng cứu sống bệnh nhân.
Song hiện nay, với sự hồi phục nhanh như hiện tại, phương án ghép phổi có khả năng sẽ trở thành phương án dự phòng.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!