Đang sửa mái tôn, anh T. bị điện giật ngã từ mái nhà xuống đất khiến ngưng tim, ngưng thở. Anh T. không bị gãy tay, chân, không bị chấn thương sọ não.
Ngày 4/11, BS CKII Đặng Huy Đức, Phó Khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy (ngủ đông) cứu sống anh N.H.T. (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị điện giật khiến ngưng tim, ngưng thở.
Theo đó, sau khi bị điện giật ngã từ trên mái nhà xuống, anh T. được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh cấp cứu. Sau 45 phút hồi sức tim, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển khẩn đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu.
Anh T. ngã từ mái nhà xuống nhưng không bị chấn thương sọ não và gãy tay, chân. Tuy nhiên, phải thở máy do ngưng tim, ngưng thở nên anh T. được chuyển lên Khoa Nội tim mạch tại Trung tâm Tim mạch. Tại đây, anh T. được các bác sĩ áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tổn thương não và tim.
>>> Cập nhật thêm những tin tức mới nhất:
- Nữ sinh 20 tuổi khỏi bệnh ung thư vú
- Bác sĩ cứu hộ tuyệt vọng ở vùng lở núi kinh hoàng tại Trà Leng
- Số lượng trẻ nhập viện Nhi Trung ương bởi loại virus lây khi hôn hít tăng gấp 3
Bác sĩ Đức cho biết, kỹ thuật này có 2 phương pháp thực hiện kiểm soát thân nhiệt nội mạch và kiểm soát thân nhiệt bề mặt. Với trường hợp của anh T., bác sĩ sử dụng phương pháp kiểm soát thân nhiệt bề mặt thông qua tấm dán hạ nhiệt được đặt vào ngực, bụng, chân giúp hạ nhiệt độ cơ thể từ 37 độ xuống 36 độ C. Bên cạnh đó, duy trì song song máy thở, thuốc vận mạch và lọc máu chậm...
Kỹ thuật này giúp bảo vệ não bệnh nhân tránh khỏi những tổn thương do nhiễm độc tế bào, giúp cơ thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng.
Theo bác sĩ Đức, đây là kỹ thuật mới được Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai từ tháng 6/2020. Với kỹ thuật này giúp bệnh nhân phục hồi tốt, đặc biệt, không để lại di chứng não, cải thiện tử vong, giảm tổn thương thiếu máu cục bộ…
Sau 1 ngày thực hiện kỹ thuật trên, anh T. hồi tỉnh. Đến ngày thứ 3, anh bắt đầu nhận biết, có thể thực hiện theo y lệnh và được rút máy thở. Hiện sức khỏe anh T. hồi phục hoàn toàn và chuẩn bị được xuất viện.
Theo TS.BS Hoàng Văn Sỹ, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Trung tâm tim mạch, việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt giúp bệnh nhân giảm thiểu những tổn thương tế bào não, tim và các tạng khác…
Bệnh viện thường tiếp nhận bệnh nhân tương đối nặng từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó có những người ngưng tim do nhiều nguyên nhân khác nhau. Kỹ thuật hạ thân nhiệt đã được áp dụng điều trị thành công cho nhiều trường hợp bao gồm các ca rối loạn nhịp hoặc bị ngưng tim, tổn thương cơ tim do điện giật.
Bác sĩ Sỹ cho biết, trước đây khi chưa có kỹ thuật này, những bệnh nhân bị điện giật ngưng tim thường có tỷ lệ tử vong cao và phải chờ đợi quá trình điều trị nội khoa. Tuy nhiên, áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt đã giảm được số lượng tử vong, cải thiện ý thức, tri giác cho người bệnh sau thời gian ngừng tim. Mục đích chính của kỹ thuật này là bảo vệ não để bệnh nhân sau khi tỉnh lại được trở lại cuộc sống bình thường.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp từ Báo Vietnamnet.vn!