Chưa thể về Việt Nam do dịch Covid-19, từ Đài Loan xa xôi, chị Như đã động viên con trai mình, ủy quyền cho con ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng cha.
Trong 8 năm gắn bó với công tác vận động hiến tạng, chị Phạm Thị Đào, đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã gặp rất nhiều câu chuyện đặc biệt. Trong đó, có câu chuyện về anh Vũ Trí Sức, 44 tuổi, xóm Đức Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Ngày 23/8, anh Sức không may bị tai nạn lao động, chết não và không còn khả năng cứu chữa. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị Đào đã tìm gặp anh trai và chú của bệnh nhân để tư vấn, vận động gia đình hiến tạng. Bản thân họ đều rất ủng hộ việc hiến tạng cứu người. Tuy nhiên, còn nhiều rào cản về người thân, phải mất nhiều thời gian mới có thể vận động được mọi người đồng ý.
>>> Cập nhật thêm tin tức:
- Hòa Bình: Phát hiện thêm 1 ca bệnh Whitmore
- ĐÀ NẴNG: Nữ hộ lý dương tính nCoV sau 4 lần âm tính
- Người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn bị tổn thương thận cấp, hiện đang lọc máu liên tục
Đặc biệt, theo luật pháp quy định, người anh trai và chú ruột không thể thay gia đình ký vào tờ đơn đăng ký hiến tạng. Chỉ có mẹ, vợ và con trai (19 tuổi) của bệnh nhân Sức mới được làm việc này.
Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Như, vợ anh Sức, đang lao động ở Đài Loan, chưa thể về Việt Nam ngay. Từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng đã kết nối với chị Như để thuyết phục, vận động gia đình hiến tạng cứu người. Sau 15 phút trò chuyện, niềm vui vỡ òa khi nhận được cái gật đầu của chị Như.
Chính chị Như cũng là người đã động viên con trai mình, ủy quyền cho con trai ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng.
Tất cả các tạng hiến của anh Sức đều đã được ghép và hồi sinh sự sống cho những người đang nguy kịch (gồm tim, gan, 2 thận, 2 giác mạc). Ngoài ra, còn 4 đoạn mạch máu của anh cũng đang được lưu trữ và bảo quản tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chờ ghép cho những bệnh nhân khác. Đây là ngân hàng mô đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.
Tim của anh Sức đang đập trong cơ thể bệnh nhi Đ.H., 11 tuổi. Sau gần 20 ngày ghép tim, cháu bé đã có thể đi lại, sinh hoạt bình thường và vui vẻ trò chuyện với các y bác sĩ Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Chỉ vài ngày nữa, em sẽ được ra viện, trở về bên gia đình, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường, trở thành người có ích cho xã hội.
Về đến Việt Nam sau những ngày mòn mỏi ngóng trông được về “chịu tang” chồng, chị Như hiện chưa hết thời gian cách ly sau nhập cảnh. Từ khu cách ly tại Trà Vinh, chị vẫn luôn tâm niệm “cho đi là còn mãi”.
Tâm nguyện của gia đình anh Vũ Trí Sức là nghĩa cử cao đẹp, nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng, để cuộc đời họ lại được hồi sinh thêm một lần nữa.
Người hiến tạng đã góp phần tạo nên những kỷ lục ghép tạng mới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong vòng 13 ngày từ 30/8 đến 12/9, đơn vị đã ghép thành công 23 tạng gồm 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não). Hiện tại, tất cả các tạng đều rất tốt.
Lần đầu tiên, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện thực hiện ghép tim cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp (11 và 12/9). Mới đây nhất, ngày 16/9, các bác sĩ đã ghép thêm 1 quả tim cho nữ bệnh nhân, 60 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp!