Bà Lê Tuyết Hằng, “bệnh nhân 19”, 64 tuổi, từng phải sống nhờ hệ thống ECMO 17 ngày và ngừng tim đột ngột, được tuyên bố khỏi Covid-19 sáng 27/5.
Bà là bác gái của "bệnh nhân 17", nhập viện ngày 6/3, ca nặng nhất miền Bắc, thời gian điều trị lâu nhất tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Bà thường xuyên là đối tượng hội chẩn của hội đồng chuyên môn Bộ Y tế. Hiện sức khỏe bà tốt, ổn định, tiếp xúc tốt, không sốt, xét nghiệm 7 lần âm tính nCoV.
Chiều 26/5, bà được bác sĩ báo tin chuẩn bị ra viện. Sau bữa ăn trưa, tâm trạng hồi hộp khiến nhịp tim của bà tăng vọt từ 86 lên hơn 100 nhịp một phút. So với hai tuần trước, bà trông khỏe khoắn, có thể vận động, đi lại, ít phụ thuộc hơn vào sự trợ giúp của con trai và các điều dưỡng. Bước chân của bà đã nhanh và nhẹ nhàng hơn.
>>> Cập nhật tin tức mới nhất:
- Tp.HCM: Cây phượng bật gốc đè nhiều học sinh, một em tử vong
- Covid-19: 39 ngày qua Việt Nam không có ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng
- Bác sĩ người Mỹ mắc Covid-19 qua đời khi đang cố gắng làm việc
Bác sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bà là bệnh nhân nặng cuối cùng của khoa. Ban đầu bà được điều trị bằng thuốc kháng virus, không hiệu quả, sau đó phải sử dụng ECMO (hệ thống oxy ngoài cơ thể), điều trị thêm 20 ngày để chức năng phổi hồi phục, cai ECMO. Không ngờ, phổi đang hồi phục thì đêm 7/4 bà đột ngột ngừng tim, cấp cứu hơn 40 phút mới hồi tỉnh. Bà tái can thiệp ECMO, dần dần tình trạng ổn định và khỏe trở lại.
"Dù hiện nay bà đã khỏe, bỏ máy thở và đi lại bình thường, nhưng Covid-19 đã gây tổn thương rất nhiều tới cơ thể, bệnh nhân vẫn phải dùng thuốc", bác sĩ Phú nói.
Ước tính chi phí điều trị cho bà đến nay khoảng 2-3 tỷ đồng.
"Bệnh nhân nặng như đi trên cầu thăng bằng, chỉ một chút gió là có thể ngã. Khi bệnh nhân bình thường phục hồi, chúng tôi rất vui. Bệnh nhân nặng hồi phục, chúng tôi còn sung sướng hơn", bác sĩ Phú chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng điều trị Covid-19 thuộc Bộ Y tế, nhận định sự phục hồi của "bệnh nhân 19" là một kỳ tích.
"Khi thấy bệnh nhân sống sót vượt qua cửa tử, tôi cũng như các bác sĩ cảm thấy vô cùng vui mừng và sung sướng", ông nói.
Còn bà Hằng chia sẻ: "Cảm ơn các y bác sĩ, hôm nay tôi khỏi bệnh nên rất vui".
Nhớ lại những ngày đã qua, anh Lưu Ngọc, 40 tuổi, con trai của bà Hằng, cho biết: "Tôi và em trai bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để chăm mẹ. Chúng tôi đã rất lo lắng, rất sợ. Mẹ từng rơi vào trạng thái ngừng tim nên các con tuyệt vọng, không biết liệu mẹ có qua khỏi không, mỗi ngày đều trông chờ vào sự điều trị của bác sĩ".
Ngày bà tỉnh dậy, hai người con vội vàng đi từ nhà trọ tới bệnh viện. Vây quanh giường bệnh, hai anh run run hỏi "mẹ có nhận ra con không?". Khi nhận được cái gật đầu của mẹ, họ như trút được tảng đá đè nặng trong lồng ngực.
Tình trạng của bà sau đó khá dần lên từng ngày nhờ có các con trò chuyện, động viên tinh thần. Bà muốn ăn gì, hai anh em chia nhau nấu thức ăn mang vào viện.
"Nhờ sự chăm sóc điều trị của bác sĩ, giờ mẹ đã khỏe hơn rất nhiều, chúng tôi không quá vất vả", anh Ngọc nói.
Cùng ra viện với bà sáng nay còn 5 bệnh nhân khác gồm ca 52 tái dương tính, 291, 295, 308, 324. Họ tiếp tục theo dõi tại bệnh viện 14 ngày.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vnexpress.net!