Tổ chức đoàn thể | Thư viện Media | Hợp tác quốc tế
Hotline:
0287.1060.222 - 096.152.9898 - 093.851.9898
| Email:[email protected]

Kiến Thức Y Dược

Pizar 6 trị những loại giun gì?

Cập nhật: 02/03/2022 02:40
Người đăng: Linh Vũ | 981 lượt xem

Pizar 6 trị những loại giun gì, thuốc Pizar 6mg giá bao nhiêu? Là câu hỏi nhiều người quan tâm, mời bạn đọc tham khảo bài tổng hợp dưới đây.

1. Thông tin về thuốc Pizar 6

Thuốc Pizar 6  có tác dụng trên nhiều loại giun tròn như giun lươn, giun tóc, giun kim, giun đũa, giun móc và giun chỉ Onchocera.

Quy cách đóng gói

Hộp 1 vỉ x 4 viên.

Dạng bào chế

Viên nén.

Thành phần

Mỗi viên nén Pizar 3 chứa:

  • Hoạt chất: Ivermectin 3mg
  • Tá dược: cellactose 80, magnesi stearat, croscarmellose natri.

Mỗi viên nén Pizar 6 chứa:

  • Hoạt chất: Ivermectin 6mg
  • Tá dược: cellactose 80, magnesi stearat, croscarmellose natri.

Nhà sản xuất

Công ty TNHH dược phẩm Đạt Vi Phú (DAVIPHARM)

Điều kiện bảo quản thuốc 

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C.

Hạn dùng

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

>>> Mách bạn: Thành phần, tác dụng và lưu ý khi dùng thuốc At Zinc

Thông tin về thuốc Pizar 6

2. Dược lực học và dược động học

Dược lực học

Ivermectin là dẫn chất bán tổng hợp của một trong số avermectin, nhóm chất có cấu trúc lacton vòng lớn, phân lập từ sự lên men Streptomyces avermitilis. Ivermectin có phổ hoạt tính rộng trên các giun tròn và tiết túc của gia súc, do đó được dùng nhiều trong thú y. Thuốc lần đầu tiên được dùng cho người vào năm 1981. Ivermectin có hiệu quả trên nhiều loại giun tròn như giun lươn, giun tóc, giun kim, giun đũa, giun móc và giun chỉ Wuchereria bancrofti. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trên sán lá gan và sán dây.

Hiện nay, ivermectin là thuốc được chọn điều trị bệnh giun chỉ Onchocerca volvulus và là thuốc diệt ấu trùng giun chỉ rất mạnh, nhưng ít tác dụng trên ký sinh trùng trưởng thành. Sau khi uống được 2 - 3 ngày, ấu trùng giun chỉ ở da mất đi nhanh; còn ấu trùng ở giác mạc và tiền phòng mắt thì chậm hơn.

Tác dụng của thuốc có thể kéo dài đến 12 tháng. Một tháng sau khi dùng, ấu trùng tại tử cung giun chỉ trưởng thành không thoát ra được, rồi bị thoái hóa và tiêu đi. Tác dụng kéo dài trên ấu trùng rất có ích trong việc ngăn chặn con đường lây lan của bệnh. Đã biết khá rõ cơ chế tác dụng của ivermectin đối với giun chỉ Onchocerca. Thuốc gây ra tác dụng độc trực tiếp, làm bất động và thải trừ ấu trùng qua đường bạch huyết. Ivermectin kích thích tiết chất dẫn truyền thần kinh là acid gama-amino butyric (GABA). Ở các giun nhạy cảm, thuốc tác động bằng cách tăng cường sự giải phóng GABA ở sau synap của khớp thần kinh cơ làm cho giun bị liệt.

Ivermectin không dễ dàng gia nhập được vào hệ thống thần kinh trung ương của các loại động vật có vú. Vì vậy, không ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh phụ thuộc GABA của các loài này.

Dược động học

Còn chưa biết rõ sinh khả dụng của thuốc sau khi uống. Nói chung, không thấy có sự khác nhau về nồng độ đỉnh trong huyết tương giữa dạng viên nén và dạng viên nang (46 so với 50 microgam/lít). Tuy nhiên, khi dùng ivermectin trong một dung dịch nước có rượu, nồng độ đỉnh tăng gấp đôi và sinh khả dụng tương đối của viên nén chỉ bằng 60% sinh khả dụng của dạng dung dịch. Thời gian đạt tới nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 4 giờ và không khác nhau giữa các dạng bào chế. Ivermectin có thể tích phân bố biểu kiến khoảng 48 lít và độ thanh thải rất thấp (khoảng 1,2 lít/giờ). Nửa đời thải trừ sau khi uống dạng dung dịch khoảng 28 giờ. Khoảng 93% thuốc liên kết với protein huyết tương. Chuyển hóa của thuốc chưa được nghiên cứu kỹ, tuy nhiên đã thấy thuốc bị thủy phân và bị khử methyl ở gan. Ivermectin bài tiết qua mật và thải trừ gần như chỉ qua phân. Dưới 1% liều dùng được thải qua nước tiểu.

3. Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Ivermectin được lựa chọn để điều trị bệnh giun chỉ Onchocerca, mặc dù thuốc có hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh giun kể cả giun lươn ở ruột do Strongyloides stercoralis. Vai trò của ivermectin trong bệnh giun chỉ ở hệ bạch huyết còn chưa được nghiên cứu kỹ.

Chống chỉ định

Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Bệnh nhân mắc các bệnh có kèm theo rối loạn hàng rào máu não, như bệnh trypanosoma châu Phi và bệnh viêm màng não.

>>>> Click ngay: Thành phần và tác dụng của thuốc Heviho chữa viêm họng

Liều dùng và cách sử dụng Pizar 6

4. Liều dùng và cách sử dụng

Cách sử dụng

Ivermectin uống với nước vào buổi sáng sớm khi chưa ăn hoặc có thể vào lúc khác, nhưng tránh ăn trong vòng 2 giờ trước và sau khi dùng thuốc.

Chưa xác định được độ an toàn cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Liều dùng

Người lớn và trẻ em trên 5 tuổi: dùng một liều duy nhất 0,15 mg/kg. Liều cao hơn sẽ làm tăng phản ứng có hại, mà không tăng hiệu quả điều trị. Cần phải tái điều trị với liều như trên hàng năm để chắc chắn khống chế được ấu trùng giun chỉ Onchocerca. Nếu người bệnh bị nhiễm nặng ấu trùng vào mắt, thì có thể phải tái điều trị thường xuyên hơn, chẳng hạn như cứ sau 6 tháng phải dùng thuốc lại một lần.

Hướng dẫn liều dùng ivermectin để điều trị nhiễm Onchocerca (liều uống duy nhất theo thể trọng):

15 – 25 kg: dùng Pizar 3 mg,

26 – 44 kg: dùng Pizar 6 mg,

45 – 64 kg: dùng Pizar 9 mg,

65 – 84 kg: dùng Pizar 12 mg,

> 85 kg: dùng Pizar 0,15 mg/kg.

5. Lưu ý khi sử dụng

Còn chưa có nhiều kinh nghiệm dùng thuốc cho trẻ em dưới 5 tuổi, vì vậy không dùng cho lứa tuổi này.

Do thuốc làm tăng GABA, nên có quan niệm cho rằng thuốc có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương ở người mà hàng rào máu não bị tổn thương (như trong bệnh viêm màng não, bệnh do Trypanosoma).

Khi điều trị bằng ivermectin cho người bị bệnh viêm da do giun chỉ Onchocerca thể tăng phản ứng, có thể xảy ra các phản ứng có hại nặng hơn, đặc biệt là phù và làm cho tình trạng bệnh nặng lên.

6. Tác dụng không mong muốn

Ivermectin là thuốc an toàn, rất thích hợp cho các chương trình điều trị trên phạm vi rộng. Hầu hết các tác dụng không mong muốn của thuốc là do các phản ứng miễn dịch đối với các ấu trùng bị chết. Vì vậy, mức độ nặng nhẹ của tác dụng này có liên quan đến mật độ ấu trùng ở da.

Những tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc:

  • Đau cơ.
  • Nhức đầu.
  • Sốt toàn thân.
  • Sưng to và đau hạch ở nách, cổ, bẹn.
  • Đau khớp hoặc viêm màng hoạt dịch.
  • Hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh.
  • Ngứa, phù, có nốt sần, mụn mủ, ban da, mày đay.

Bạn hãy thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

7. Tương tác với các thuốc khác

Chưa thấy có thông báo về tương tác thuốc có hại, nhưng về mặt lý thuyết, thuốc có thể làm tăng tác dụng của các thuốc kích thích thụ thể GABA (như các benzodiazepin và natri valproat).

8. Những đối tượng đặc biệt

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai: tài liệu trên người còn hạn chế. Trong một nghiên cứu ở diện rộng 14,000 người bệnh dùng thuốc mỗi năm một lần, trong 3 năm có 203 trẻ được sinh ra từ những người mẹ đã dùng thuốc khi mang thai. Kết quả cho thấy, những khuyết tật ở các trẻ sinh ra từ các bà mẹ dùng thuốc không khác có ý nghĩa với các trẻ của các bà mẹ không dùng thuốc. Vì bệnh ấu trùng giun chỉ Onchocerca dễ gây ra mù lòa, lại chưa thấy có báo cáo về khả năng gây quái thai, mặc dù thuốc đã được dùng trên một phạm vi rất rộng, nên có thể dùng ivermectin sau khi có thai được 3 tháng.

Thời kỳ cho con bú: Ivermectin tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp (dưới 2% lượng thuốc đã dùng). An toàn với trẻ sơ sinh chưa được xác định, do đó chỉ dùng thuốc này cho người mẹ khi thấy có lợi cho mẹ hơn.

Người lái xe vận hành máy móc

Chưa có dữ liệu cho thấy rằng thuốc có ảnh hưởng trên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của thuốc là nhức đầu, chóng mặt, hạ huyết áp có thể xảy ra. Vì vậy, cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc nguy hiểm.

Lưu ý khi sử dụng Pizar 6

9. Trường hợp quá liều

Các biểu hiện chính do nhiễm độc ivermectin là ban da, phù, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, suy nhược, buồn nôn, nôn, ỉa chảy. Các tác dụng không mong muốn khác gồm các cơn động kinh, mất điều hòa, khó thở, đau bụng, dị cảm và mày đay.

Khi bị nhiễm độc, cần truyền dịch và các chất điện giải, trợ hô hấp (oxygen và hô hấp nhân tạo nếu cần), dùng thuốc tăng huyết áp nếu bị hạ huyết áp. Gây nôn hoặc rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Sau đó, dùng thuốc tẩy và các biện pháp chống độc khác nếu cần để ngăn cản sự hấp thu thêm thuốc vào cơ thể.

10. Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của thuốc

Ưu điểm

  • Dạng bào chế là viên nén dễ dàng sử dụng và bảo quản.
  • Hiệu quả cao sau điều trị.
  • Chỉ cần một liều duy nhất.
  • Không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Nhược điểm

  • Giá thuốc khá cao.
  • Tương tác với nhiều thuốc.
  • Có thể gặp một số tác dụng phụ khi dùng thuốc.
  • Tính an toàn chưa được thiết lập trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú.

11. Thuốc Pizar 6mg giá bao nhiêu?

Thuốc tẩy sán, giun Pizar 6mg hộp 4 viên, giá tham khảo: 276.000 đồng/hộp.

Thuốc tẩy sán, giun Pizar 3mg hộp 4 viên, giá tham khảo 152.000 đồng/hộp.

Trên đây là các thông tin tổng hợp về Pizar 6mg, Pizar 3mg. Người dùng lưu ý đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp

 

Tin Liên quan

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn được thành lập theo Quyết định số 935/QĐ-LĐTBXH ngày 18/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, với nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực y tế.

  Cơ sở 1: Toà nhà : PTT - Đường số 3- Lô số 07, Công viên phần mềm Quang Trung, Phường: Tân Chánh Hiệp, Quận: 12, TP.HCM

  Cơ sở 2: Số 1036 Đường Tân Kỳ Tân Quý Tổ 129, Khu phố 14,  Phường: Bình Hưng Hòa, Quận: Bình Tân, TP.HCM ( Ngã 3 đèn xanh đèn đỏ giao giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và Quốc lộ 1A).

  Website: caodangyduochcm.vn

  Email: [email protected]

  Điện thoại: 0287.1060.222 - 096.152.9898 - 093.851.9898

  Ban tư vấn tuyển sinh: 0338293340 - 0889965366 - 0399492601

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
DMCA.com Protection Status
0961529898