Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách vaccine Covid-19. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng ngay lập tức.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19.
Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng, được Bộ Y tế đặt nhiều kỳ vọng, gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.
>>> Cập nhật thêm tin tức mới nhất:
- Người đẹp, tiến sĩ đã gửi trứng để dành chờ sinh con
- Xin tinh trùng với mục đích làm mẹ đơn thân
- Covid-19: Hết sạch các ca mắc bệnh, Đà Nẵng giải thể một bệnh viện dã chiến
Sản xuất vaccine từ phôi trứng gà là nghiên cứu phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus để chúng không còn khả năng gây bệnh, tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vaccine.
Sản xuất vaccine theo công nghệ tái tổ hợp là sử dụng công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của SARS-CoV-2 vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp.
Ông Quang cho biết, 2 vaccine trên đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vaccine hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với SARS-CoV-2 để thử thách hiệu quả bảo vệ.
Hiện tại, IVAC đã chuyển vaccine cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test. Tổng kinh phí đầu tư cho test khoảng 1 triệu USD, bao gồm thử độc tính, tính sinh miễn dịch của vaccine và test thử thách trên linh trưởng.
Nanogen đang test thử thách vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.
Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng vaccine ngay lập tức. Như vậy trong 1 năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vaccine.
Ông Quang thông tin thêm, trong ngày hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chính thức giao Bộ Y tế xây dựng đề án hỗ trợ công tác sản xuất vaccine Covid-19. Trong thời gian này, Bộ sẽ thúc đẩy đề án và hỗ trợ sớm cho các nhà sản xuất. “Mục tiêu cuối cùng là Việt Nam có thể làm chủ công nghệ sản xuất vaccine”, ông Quang nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chủ trương cần tiếp cận sớm nhất với vaccine Covid-19 bằng tất cả các con đường, có thể thông qua hợp tác quốc tế hoặc làm chủ công nghệ sản xuất trong nước.
Ông Quang chia sẻ, Bộ Y tế đang tiếp cận cả 2 con đường. “Về phía hợp tác quốc tế, các nhà sản xuất trên thế giới vẫn trong quá trình nghiên cứu lâm sàng. Chúng tôi đang đàm phán trên tinh thần nếu nghiên cứu lâm sàng của họ có kết quả, Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận sớm”, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho hay.
Tuy nhiên, do số lượng vaccine được phân phối, điều tiết cho mỗi quốc gia chỉ ở giới hạn nhất định (nhiều nhất khoảng một chục triệu liều trong một năm), Việt Nam vẫn đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo có vaccine phục vụ cho toàn dân.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!