Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3000.000 - 350.000 ca phá thai được báo cáo chính thức và có tới hơn 60% các ca phá thai là ngoài ý muốn.
Ngày Tránh thai Thế giới 2019 với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”, được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ), Bộ Y tế, phát động sáng 23 - 9, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, Dân số Việt Nam hiện có hơn 96 triệu người. Mỗi năm, dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) là trên 24.2 triệu người.
Đáng lưu ý, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang hướng gia tăng. Ông Tú có nhấn mạnh: “Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có 300.000-350.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ có gia đình ở độ tuổi từ 15 - 49 thì tới 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn trên Thế giới, cứ mỗi 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Hàng năm, có khoảng 80 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20 - 22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 68.000 ca tử vong mẹ do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Mỗi năm, thế giới có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do biến chứng của phá thai không an toàn và hầu hết xảy ra ở các nước đang phát triển.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo nld.com.vn