Trong thời gian qua dư luận đang xôn xao, nhất là trong giới Y bác sĩ trước nguồn thông tin có nhiều bác sĩ viết đơn xin nghỉ việc ở bệnh viện công. Lý do không còn quá xa lạ nữ: Thu nhập không đủ sống. Có rất nhiều ý kiến các bác sĩ cho rằng, cần phải công bằng hơn khi nói về mức thu nhập của bác sĩ. Trước vấn đề này, các Phóng viên đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Nguyên vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế.
* PV: Thưa ông! Ông có đánh giá như thế nào về tình trạng hiện nay ngày càng có nhiều bác sĩ bỏ việc ở bệnh viện công?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang có trả lời như sau: Tôi cho rằng đây là một hiện tượng xã hội. Ai cũng mong muốn có việc làm tốt, môi trường làm việc thuận lợi, an toàn để có thể phát huy hết khả năng, để cống hiến hết mình. Với bác sĩ hiện nay môi trường làm việc đang rất vất vả, áp lực lớn, luôn phải đối mặt với kiện cáo.
Khi làm tốt mọi việc thì không sao, tuy nhiên nếu xuất hiện một sai sót dù nhỏ cũng thành to chuyện. Ngành Y là một ngành nhạy cảm, và nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Do đó, nhiều bác sĩ cảm thấy môi trường làm việc tại bệnh viện công không được thuận lợi và quá áp lực.
Trên thực tế cho thấy, ở những bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ luôn căng mình để làm việc, bởi số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc liên tục. Những tuyến bệnh viện huyện lại vắng bệnh nhân, bác sĩ lại bị phân ra nhiều khoa không đúng chuyên môn, không được đào tạo đúng chuyên môn để phát triển, thậm chí chán nản bởi lãnh đạo không đủ tầm,... khiến nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện đi tìm công việc mới.
Tôi nghĩ lý do chính mà các bác sĩ quyết định rời bệnh viện công chính là bởi thu nhập quá thấp. Một bác sĩ học tập mải miết 9 - 10 năm mới có thể hành nghề độc lập. Tuy nhiên, lại được hưởng mức lương, phụ cấp không hề tương xứng.
Cũng sẽ rất phi lý khi một bác sĩ có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn nhưng mức thu nhập không đủ để nuôi vợ; nuôi con. Vậy, làm sao có thể yên tâm làm việc, hết mình vì người bệnh. Vì thế, bác sĩ phải mở phòng khám tư, làm thuê cho những bệnh viện tư,... và tệ nạn với tình trạng nhận phong bì của bệnh nhân cũng từ đó mà ra.
Tất cả các lý do trên đã dẫn đến thực trạng bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công để đến làm việc tại nơi nào đó có môi trường làm việc tốt hơn, mức thu nhập cao hơn. Đây là một quy luật rất tự nhiên.
* PV: Liệu sẽ có “cơn bão” những bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công không, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang có đáp: Tôi nghĩ rằng khó có thể là “cơn bão” được. Bởi ở thành phố nào đó hay tỉnh nào đó xuất hiện một nhu cầu nhân lực cho y tế tư nhân với mức thu nhập cao thì nơi đó sẽ xuất hiện việc dịch chuyển bác sĩ từ y tế công sang y tế tư nhân theo quy luật cung cầu. Theo ý kiến cá nhân tôi, đây có thể lại là đòn bẩy rất tốt để kích thích y tế công phát triển.
Khi Y tế tư nhân ra đời trang thiết bị cơ sở vật chất tốt, đội ngũ bác sĩ giỏi từ bệnh viện công đến làm việc, chất lượng khám chữa bệnh cao sẽ thu hút được nhiều người bệnh đến thăm khám, điều trị bệnh. Khi đó, những bệnh viện công sẽ thiếu người giỏi, chất lượng thăm khám sẽ đi xuống, người bệnh cũng dần quay lưng,... điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của bệnh viện. Đặc biệt, không còn cách nào khác bệnh viện công phải đầu tư, đổi mới về chất lượng cũng như cung cách phục vụ cho bệnh nhân.
PV: Dư luận vẫn cho rằng, bác sĩ hiện đang giàu lên nhanh chóng. Vậy tại sao cứ mãi kêu ca về thu nhập thấp. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang trả lời: Đúng là có một bộ phận nhỏ bác sĩ đang ngày một giàu lên. Số bác sĩ này chủ yếu tập trung ở các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương, tuyến tỉnh có chuyên môn giỏi và ở các Chuyên khoa ngoại, Chẩn đoán hình ảnh, Sản, Nhi, Răng - Hàm - Mặt,… Họ giàu bằng chính sức lao động của mình.
Việc mở phòng khám tư ngoài giờ hay làm thuê cho những bệnh viện tư đồng nghĩa với việc họ phải làm việc nhiều hơn, vắt kiệt sức lao động hơn. Một bác sĩ chuyên khoa ngoại ở Tp. Hồ Chí Minh vào 2 ngày thử 7 & Chủ nhật bay lên Gia Lai để mổ dịch vụ cho 3 - 4 bệnh nhân để kiếm thêm tiền là chuyện rất chính đáng. Bởi người bệnh ở vùng đó họ đang có nhu cầu được bác sĩ giỏi phẫu thuật tại bệnh viện quê nhà để được gần gũi với người thân, sẵn sàng chi trả tiền phí cao thì bác sĩ không ngần ngại với bệnh nhân. Thực tế cho thấy, bác sĩ giỏi sẽ luôn đông bệnh nhân, nhận được nhiều lời chào mời về những bệnh nhân tư nhân.
Đại đa số các bác sĩ ở các chuyên khoa khác như Y học cổ truyền, Giải phẫu bệnh, Truyền nhiễm… hay bác sĩ tuyến huyện, xã thì thật sự là thu nhập rất thấp. Nếu họ được trả mức lương đủ sống thì sẽ không có hiện tượng nghỉ việc tại các bệnh viện công.
* PV:Ông có cho rằng, bệnh viện công sẽ ngày càng khó có sức hút với các bác sĩ giỏi hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang trả lời câu hỏi: Với mức thu nhập không cao nhưng làm việc tại bệnh viện công các bác sĩ sẽ có nhiều cơ hội để học tập, nâng cao tay nghề hơn. Cũng có nhiều bác sĩ chăm chỉ làm việc có thể nhanh nổi tiếng hơn nên họ vẫn rất gắn bó với bệnh viện công.
Một thực tế cho thấy các bác sĩ trẻ mới ra trường vào làm việc tại các bệnh viện công để tích lũy kinh nghiệm, tay nghề vững vàng thì lại nghỉ việc và chuyển ra làm tư. Vì vậy, làn sóng bác sĩ bỏ bệnh viện công, đã đánh động đến lãnh đạo các bệnh viện công cần thay đổi cơ chế để giữ chân các bác sĩ giỏi.
Nguồn: Suckhoedoisong