Các chuyên gia từ Đại học Columbia và Đại học Vanderbilt đã phục hồi thành công 6 lá phổi hiến bị hư hại bằng máy thở và máu lợn.
Đây là nội tạng được lấy từ những bệnh nhân chết não, song bị các trung tâm y tế lớn từ chối vì đã hư hỏng, có biểu hiện tràn dịch và phù nề. Tình trạng của chúng giống với 80% những lá phổi được dự trữ cho các ca phẫu thuật cấy ghép, hầu hết đều quá thời hạn sử dụng.
>>> Cập nhật thêm tin tức:
- Hải Phòng: 32 Y bác sĩ suýt bỏ việc đã nhận đủ lương
- Bệnh nhân 91 xuất viện: Đã "Hạ cánh an toàn"
- Bị liệt mặt vì bật điều hòa suốt đêm, bác sĩ cảnh báo thói quen nhiều người mắc phải
Các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Columbia và Trường Đại học Vanderbilt đã làm việc 8 năm, sáng tạo ra một hệ thống để phục hồi nội tạng bị hư hỏng. Dự án bắt đầu khi các bác sĩ phẫu thuật chính ở Columbia đến thăm Gordana Vunjak-Novakovic, người đứng đầu phòng thí nghiệm tế bào và kỹ thuật mô tại trường đại học, để nói về ý tưởng tối đa hóa nguồn phổi cho bệnh nhân cần cấy ghép.
Theo bà Novakovic, phổi bị tổn thương dễ dàng có hiện tượng tràn dịch, các mô và mạch máu bị phá vỡ. Chất lỏng sau đó rò rỉ vào đường thở, khiến phổi ướt và nặng, "giống như miếng bọt biển sũng nước".
Bác sĩ đôi khi đưa thuốc lợi tiểu cho người hiến chết não để kích thích đi tiểu, nỗ lực làm khô phổi của họ, chuẩn bị cấy ghép cho bệnh nhân khác. Song, chiến lược này thường không hiệu quả.
Chuyên gia từ Đại học Columbia và Đại học Vanderbilt nảy ra ý tưởng khác. Họ đặt mỗi lá phổi vào một hộp nhựa, nối với thiết bị oxy để chúng có thể "hô hấp". Sau đó, họ kết nối phổi với tĩnh mạch chủ ở cổ một con lợn sống, để máu của nó chảy qua các mao mạch. Trong vòng 24 giờ, 6 lá phổi dường như hoạt động trở lại. Đánh giá tại phòng thí nghiệm xác nhận chúng đã hồi phục.
Kết quả của công trình được báo cáo trên Tạp chí Nature Medicine ngày 13/7.
Nghiên cứu đặt nền móng cho một ý tưởng xa hơn. Các nhà khoa học bắt đầu xem xét sử dụng tĩnh mạch chủ ở người, thay vì lợn. Họ dự kiến kết nối lá phổi hư hại với cổ của chính bệnh nhân nhận tạng và thiết bị oxy.
Tuy công trình mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, song giới chuyên gia đánh giá đây là kết quả ấn tượng.
"Tôi hoàn toàn sẵn sàng sử dụng phương pháp này. Đây là ý tưởng đột phá, một bước nhảy vọt trong lĩnh vực y khoa", Tiến sĩ Zachary N. Kon, giám đốc khoa phẫu thuật ghép phổi, Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York, cho biết.
Thiếu hụt nội tạng cấy ghép vẫn luôn là vấn đề của các trung tâm y tế ở Mỹ và trên thế giới. Dù năm 2018, Mỹ đã thực hiện được 2.562 ca ghép phổi, hơn 3.000 bệnh nhân khác được thêm vào danh sách phẫu thuật. Khoảng 360 người đã chết trong quá trình chờ đợi tạng hiến, hoặc bệnh tình trở nên quá nặng đến nỗi không thể cấy ghép.
Nhu cầu nội tạng càng trở nên cấp thiết trong đại dịch. Các bệnh nhân nhiễm nCoV bị tổn thương phổi lâu dài có thể cần cấy ghép, trong khi các lá phổi hiến thường bị hư hỏng khi bảo quản.
Theo Tiến sĩ Matthew D. Bacchetta, nếu có cách nào đó để tận dụng 40% tạng hiến, thay vì 20% như hiện tại, danh sách chờ đợi sẽ giảm đi rất nhiều.
Vì nguồn cung hạn chế, tiêu chí để được thực hiện phẫu thuật cũng vô cùng khắt khe. Hầu hết các trung tâm y tế loại trừ bệnh nhân trên 70 tuổi, những người có thể trạng quá yếu là thanh thiếu niên.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vnexpress.net!