Khi quyết định can thiệp ECMO cho bé gái 31 tháng tuổi mắc tứ chứng Fallot, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 hiểu họ đang mạo hiểm, song nếu không làm gì bé cầm chắc cái chết.
Bé gái nặng 11 kg, ngụ Đồng Nai, mắc tứ chứng Fallot, loại dị tật tim bẩm sinh phổ biến ở trẻ dưới một tuổi. Bốn khiếm khuyết (thông liên thất, hẹp đường ra thất phải, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ "cưỡi ngựa") làm thay đổi cấu trúc tim của bé, khiến lượng máu và oxy không đủ nuôi tim cũng như toàn bộ cơ thể. Trẻ em mắc tứ chứng Fallot thường có làn da, môi xanh tím.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng bé được phát hiện bệnh muộn, các dị tật ở tim đã biến chứng, cơ thể suy kiệt, toàn thân tím tái nặng. Ngày 22/9, bé trải qua ca mổ hở sửa chữa dị tật tim. Ngay từ đầu, cuộc phẫu thuật đã rất khó khăn. Khi đang gây mê, bé đột nhiên lên cơn tím tái nặng, chỉ số bão hòa oxy trong máu tụt đột ngột chỉ còn 30%. Ê kip phẫu thuật hồi sức tim phổi tích cực hàng chục phút, bệnh nhi mới ổn định để cuộc mổ bắt đầu.
>>> Cập nhật thêm tin tức mới nhất:
- Bệnh viện Việt Đức đã xác lập kỷ lục, ca ghép thận thành công thứ 1.000
- Quảng Bình: Bác sĩ hiến máu cứu tính mạng của sản phụ
- 2 bé Trúc Nhi, Diệu Nhi xuất viện sau gần 3 tháng mổ tách dính thành công
"Thông thường, thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể khoảng 140-150 phút, nhưng ca mổ này máy chạy gần 200 phút, kẹp động mạch chủ đến 134 phút. Lượng máu đổ về tim ồ ạt, phải hút bơm liên tục mới có phẫu trường sạch để phẫu thuật viên thao tác", bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại nhớ lại.
Trong ba ngày sau mổ, sức khỏe bé liên tục chuyển biến xấu. Dù trái tim đã được sửa chữa hoàn hảo, song phần thất trái lâu nay làm việc quá tải trở nên suy yếu. Tình trạng phù phổi cấp dẫn đến tổn thương chức năng phổi, thận. Các thông số máy thở được cài đặt ở mức cao nhất, thuốc vận mạch, trợ tim tăng kịch trần. Thậm chí bác sĩ mở xương ức, hút đờm và máu liên tục, mọi phương pháp hồi sức tích cực đã áp dụng cho bệnh nhi vẫn thất bại. Sáng ngày hậu phẫu thứ ba, trẻ suy hô hấp nặng, các cơn ngưng tim bắt đầu xuất hiện, tiên lượng trên 90% tử vong.
"Ở thời điểm đó, chúng tôi gần như tuyệt vọng và buộc phải thông báo với người nhà. Mẹ bé sốc, ngất lịm, không chấp nhận sự thật. Là bác sĩ, chúng tôi cũng đau đớn vô cùng", bác sĩ Châu kể.
Rơi vào tình huống không còn gì để mất, một cuộc hội chẩn chớp nhoáng giữa lãnh đạo bệnh viện, phẫu thuật viên kíp mổ cùng bác sĩ hai khoa Hồi sức ngoại, Hồi sức tích cực đã diễn ra. Họ cân nhắc kỹ lưỡng, nhận định kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) có thể là cơ hội duy nhất để cứu bé.
Bác sĩ Trần Văn Quang, trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc chia sẻ, từ năm 2019, bệnh viện đã triển khai ECMO nội khoa, cứu sống 7 trẻ bị viêm cơ tim tối cấp. Còn can thiệp ngoại khoa cho bệnh nhi đang hồi sức sau mổ tim hở thì chưa từng. Thêm vào đó, bé gái này bị biến chứng tổn thương đa tạng, nhẹ cân, thể trạng yếu nên tỷ lệ thành công chỉ vài phần trăm.
"Quyết định đặt ECMO thực sự mạo hiểm. Nhưng nếu không làm gì, chắc chắn bệnh nhi sẽ tử vong ngay", bác sĩ Quang nói.
Một phòng mổ dã chiến được thành lập ngay trên giường bệnh. Toàn bộ hệ thống máy ECMO cồng kềnh được vận chuyển bằng xe cứu thương lên khoa Hồi sức Ngoại. Phẫu thuật viên tim Ngô Kim Thơi xẻ mạch máu nhỏ xíu của bệnh nhi, đặt hai canuyn (ống nhựa) vào thẳng động mạch chủ, một ống đưa máu ra ngoài cơ thể, một ống vận chuyển máu vào lại kết nối với ECMO. Máy chạy, cả ê kíp dừng tay, nín thở theo dõi. Hơn 10 phút trôi qua, cơ thể bệnh nhi từ tím đen bắt đầu nhạt màu. Vài tiếng sau, bé qua cơn nguy kịch, hồng hào trở lại.
Suốt một tuần chạy ECMO, các bác sĩ, điều dưỡng túc trực 24/24 giờ, làm các xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh kịp thời chỉ số máy giữ cho máu không đông ngoài màng lọc ECMO, vết thương mở ngực không chảy máu. Nhờ đó, các tạng dần phục hồi chức năng tốt, các dấu hiệu sinh tồn dần ổn định. Ngày thứ 13 hậu phẫu, bé được đóng xương ức, cai máy thở.
Đến nay, cô bé đã khỏe mạnh, tự hít thở khí trời, sinh hoạt gần như bình thường và cười vui vẻ khi xem hoạt hình. Trong tuần này, bé được xuất viện, sẽ tái khám và theo dõi lâu dài. Nếu thực hiện đúng chỉ định, bệnh nhân sẽ khỏe mạnh và tuổi thọ sẽ gần như người bình thường.
Theo bác sĩ Quang, ECMO là kỹ thuật cao cấp nhất trong hồi sức, vốn dĩ chỉ thực hiện trong lĩnh vực nội khoa. Vì vậy, trường hợp này đã tạo ra "một cuộc cách mạng" trong lĩnh vực ngoại khoa, mở ra cánh cửa hy vọng cứu sống cho trẻ em nguy kịch sau mổ hở mà trước đây bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhi tử vong.
Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng I chỉ có một máy ECMO. Song bác sĩ Quang khẳng định, gặp tình huống khẩn cấp, bệnh viện sẵn sàng đi mượn, năn nỉ các cơ sở y tế khác có máy để cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện đã xây dựng chỉ định, quy trình chặt chẽ đối với các bệnh chỉ định dùng ECMO để tránh tình trạng lạm dụng. Trẻ em dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế chi trả 100%.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, 40 tuổi, mẹ bệnh nhi cho biết chị sinh bé khi đã 38 tuổi. Chị bị thiếu ối thai kỳ, đi khám thường xuyên tại bệnh viện địa phương nhưng không phát hiện bất thường ở thai nhi. Bé phát triển bình thường, chỉ mệt và hơi tím khi chơi đùa nhiều hay khóc. Đầu năm nay, tình trạng tím nặng hơn, bé gầy và mệt nhiều gia đình đưa đi khám thì bệnh đã nặng.
Bác sĩ Châu khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần khám tầm soát trong và ngay sau khi sinh để chẩn đoán sớm, can thiệp hiệu quả các bệnh lý tim mạch bẩm sinh ở trẻ trước một tuổi. Giai đoạn này, các biến chứng chưa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc mổ, trẻ nhanh hồi phục.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vnexpress.net!