Nhằm giảm cơn sốt thuốc trị cúm Tamiflu, sau lô hàng nhập khẩu đầu tiên 50 nghìn viên vào chiều 26-12-2019, trong tháng 1 này, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu thêm 140 nghìn viên thuốc Tamiflu.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), 50 nghìn viên thuốc Tamiflu đã được thông quan vào Việt Nam chiều 26-12-2019 đã được nhà nhập khẩu tiến hành thủ tục bổ sung tem nhãn phụ cho lô thuốc và cung ứng cho các bệnh viện có nhu cầu. Tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, mỗi bệnh viện được cấp từ 1.000 - 2.000 viên Tamiflu trong lô thuốc 50 nghìn viên nói trên.
>>> Cập nhật thêm thông tin:
- Nữ giảng viên được khen khi diện đồ bó sát dạy về giải phẫu trên lớp
- MỚI: Việt Nam sẽ "Khai tử" đơn thuốc giấy
- Đức Lộc - "Chú lính chì dũng cảm" đã qua đời sau 3 năm mắc bệnh
Dự kiến lô thuốc Tamiflu tiếp theo (khoảng 140.000 viên) sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 1-2020 để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ khi bị mắc cúm, đặc biệt cúm A, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc kháng virus để điều trị cúm, trong đó có Tamiflu. Tuy nhiên, Tamiflu chỉ được chỉ định để điều trị cúm trong trường hợp bệnh nhân mắc cúm A được phát hiện trong 48 giờ đầu. “Sau 48 giờ, việc dùng Tamiflu không có tác dụng với virus cúm. Vì khi virus cúm xâm nhập cơ thể, nó làm nhân lên virus cúm. Tamiflu chỉ có tác dụng ức chế virus, không làm virus nhân lên, chứ không phải giết chết con virus. Virus cúm chỉ nhân lên trong vòng 48 giờ khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta, sau 48 giờ, cơ thể chúng ta tự loại con virus này”, BS Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, với những người bình thường, không có các bệnh lý từ trước, đang khỏe mạnh, bị mắc cúm (cúm A, B, C) thì cơ thể sẽ tự loại bỏ virus cúm mà không cần đến sự hỗ trợ của Tamiflu. Đại đa số người mắc cúm đều khỏi sau khoảng một tuần, chỉ khoảng 1/10 người sau đó còn có ho, nghẹt mũi, đau cơ,… nhưng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trước việc khan hiếm thuốc Tamiflu khiến cho loại thuốc này bị đẩy giá gấp năm lần thời gian vừa qua, BS Dũng cho biết, nếu không cúm nặng, chúng ta không nên dùng thuốc Tamiflu vừa tốn tiền vừa nguy hiểm vì thuốc này có thể gây dị ứng, hại thận. "Chỉ những người có thể trạng đặc biệt như trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 50 tuổi, phụ nữ có thai và những người đang mang trong mình một bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn tính, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, những người mắc cúm nặng... mới cần dùng tới thuốc Tamiflu”, BS Dũng cho hay.
Cũng theo BS Dũng, cúm mùa năm nay không gia tăng. Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân phải nhập viện vì cúm được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Tamiflu chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong kế hoạch điều trị của khoa. Kể cả với cúm nặng vào viện mà hết Tamiflu thì việc điều trị cho những bệnh nhân này vẫn không ảnh hưởng gì, bệnh nhân vẫn chữa được khỏi bệnh hoàn toàn.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo nhandan.com.vn!