Vật lý trị liệu tại nhà ngày càng được nhiều người lựa chọn nhờ sự tiện lợi và hiệu quả trong việc phục hồi chức năng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về vật lý trị liệu tại nhà, lợi ích của nó và những bài tập đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao qua bài viết dưới đây.
Vật lý trị liệu tại nhà là gì?
Vật lý trị liệu tại nhà là quá trình giúp người bệnh khôi phục lại chức năng vận động, cải thiện khả năng sinh hoạt hàng ngày ngay tại nhà mà không cần đến bệnh viện hay cơ sở Y tế. Phương pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân sau tai biến, chấn thương, phẫu thuật hoặc những người có bệnh lý mạn tính ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Ai là người cần vật lý trị liệu tại nhà?
Vật lý trị liệu tại nhà phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc cần một quá trình phục hồi lâu dài. Dưới đây là những nhóm bệnh nhân thường cần thực hiện vật lý trị liệu tại nhà:
Bệnh nhân sau tai biến mạch máu não (đột quỵ)
- Liệt nửa người, khó khăn trong vận động.
- Mất thăng bằng, khó đi lại, cần hỗ trợ phục hồi chức năng.
- Rối loạn ngôn ngữ, khó nuốt, cần tập luyện để phục hồi dần.
Người bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật
- Gãy xương, trật khớp, tổn thương dây chằng cần tập phục hồi chức năng.
- Phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối hoặc cột sống.
- Sau phẫu thuật cột sống (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống).
Người mắc bệnh cơ xương khớp mãn tính
- Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp.
- Đau thần kinh tọa, đau lưng mãn tính, gai cột sống.
- Loãng xương gây yếu cơ, mất khả năng vận động linh hoạt.
Trẻ em cần can thiệp sớm về vận động
- Trẻ bại não, chậm phát triển vận động.
- Trẻ bị cong vẹo cột sống, bàn chân bẹt, yếu cơ.
- Trẻ tự kỷ cần hỗ trợ vận động.
Người cao tuổi suy giảm vận động
- Yếu cơ do tuổi tác, đi lại khó khăn, nguy cơ té ngã cao.
- Bị liệt do tai biến hoặc các bệnh lý thần kinh.
- Bệnh Parkinson gây run tay chân, mất kiểm soát vận động.
Người bị bệnh lý hô hấp hoặc tim mạch cần tập phục hồi
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hậu COVID-19 cần tập thở.
- Suy tim, sau phẫu thuật tim mạch cần tập luyện để lấy lại sức bền.
Một số bài tập vật lý trị liệu tại nhà hiệu quả
Bài tập kéo giãn cánh tay
Bài tập này giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp vai, lưng trên và cánh tay, phù hợp cho những người bị viêm khớp vai, đau khớp vai hoặc gặp vấn đề về vùng cổ - vai - gáy.
Cách thực hiện: Giữ cánh tay bị đau ngang trước ngực, sau đó dùng tay còn lại nắm lấy khuỷu tay và kéo nhẹ nhàng về phía thân người. Khi cảm thấy căng hoặc hơi đau, dừng lại và giữ tư thế này trong khoảng 10 giây. Sau đó, thả lỏng và tiếp tục lặp lại động tác này.
Bài tập giãn khớp vai
Bài tập này chủ yếu tác động đến khớp vai, bả vai và phần lưng trên, giúp tăng cường sự dẻo dai và giảm đau nhức.
Cách thực hiện: Đan hai bàn tay vào nhau, từ từ nâng cao qua đầu rồi duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng lên trên. Giữ tư thế căng giãn này trong khoảng 10 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại động tác.
Bài tập kéo giãn đầu gối về ngực
Bài tập này hỗ trợ khớp háng, khớp gối và giúp giãn cơ đùi, đặc biệt hữu ích cho người bị cứng khớp hoặc hạn chế vận động ở chi dưới.
Cách thực hiện: Nằm ngửa trên mặt phẳng, giữ chân duỗi thẳng song song với thân người. Từ từ gập hai đầu gối và kéo sát về phía ngực, dùng hai tay ôm lấy đầu gối để hỗ trợ lực kéo. Giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại bài tập.
Bài tập kéo giãn gân cơ cổ chân và cẳng chân
Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho bắp chân, hỗ trợ cải thiện khả năng vận động và giảm căng cứng cơ.
Cách thực hiện:
Người tập đứng đối diện một chiếc ghế cao ngang hông hoặc có thể chống tay vào tường sao cho cánh tay vuông góc. Chân bị đau duỗi thẳng ra phía sau, trong khi chân còn lại co nhẹ một góc khoảng 135 độ, đặt cách chân đau một bước chân. Từ từ dồn trọng lượng cơ thể về phía trước, đồng thời gập nhẹ chân lành trong khi chân đau vẫn giữ thẳng và ép sát mặt đất. Giữ tư thế này trong khoảng 15 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại. Để đạt hiệu quả tối ưu, nên thực hiện bài tập trên cả hai chân.
Bài tập kéo giãn cơ đùi trước
Bài tập này giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, đồng thời tăng cường độ linh hoạt và dẻo dai cho khớp chân.
Cách thực hiện:
Bắt đầu bằng tư thế đứng thẳng, hai tay chống nhẹ vào tường, giữ khoảng cách với tường khoảng 30 cm. Trọng tâm cơ thể dồn vào chân phía trong, trong khi chân ngoài từ từ gập ra sau sao cho gót chân hướng về mông. Sử dụng tay cùng bên để nắm lấy cổ chân và kéo nhẹ để căng cơ. Giữ tư thế trong vòng 30 giây, sau đó thả lỏng và lặp lại động tác với chân còn lại.
Trên đây là các thông tin về vật lý trị liệu tại nhà do Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp. Việc kiên trì thực hiện các bài tập như kéo giãn cơ, tập thăng bằng hay tăng cường sức mạnh có thể giúp cải thiện khả năng vận động và giảm đau hiệu quả. Để đạt kết quả tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia và duy trì luyện tập đều đặn.