Kỹ thuật phục hồi chức năng là một chuyên ngành trong y học, giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế và cộng đồng. Dưới đây là bài tham khảo chương trình đào tạo cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng.
1. Kỹ thuật Phục hồi chức năng là ngành gì?
Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng là phương pháp chữa bệnh sử dụng các kỹ thuật trị liệu mà không dùng đến thuốc, giúp cho bệnh nhân hồi phục khuyết tật, tối đa hóa các chức năng đã bị giảm hoặc bị mất, đồng thời làm giảm thiểu các hậu của của tàn tật, khiếm khuyết. Từ đó giúp người bệnh có thể vui chơi, học tập, làm việc và nhanh chóng hòa nhập cùng cộng đồng.
Phục hồi chức năng đang là một trong những ngành đầy tiềm năng của xã hội bởi đặc trưng của ngành này là chăm sóc cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Phục hồi chức năng là một mảng lớn bao gồm cả y học, kinh tế, xã hội, giáo dục ... với cùng một mục tiêu là để cho người bệnh có khả năng tái hòa nhập cộng đồng, có một cuộc sống bình thường, được tham gia các hoạt động xã hội, được bình đẳng và được thoải mái về tâm lý...
Phục hồi chức năng là một trong bốn yếu tố quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện hiện nay bao gồm: Nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, điều trị và phục hồi.
>>> Click ngay: Tìm hiểu các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp và những lưu ý quan trọng
Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng
2. Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng học những gì?
Đối với hệ Đại học: Chương trình đào tạo Kỹ thuật viên phục hồi chức năng trong thời gian 4 năm.
Đối với hệ Cao đẳng: Chương trình đào tạo Kỹ thuật viên phục hồi chức năng trong thời gian 3 năm.
Theo đó, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng được đào tạo các môn chung, môn cơ sở, môn chuyên ngành. Cụ thể:
Các môn học chung: Giáo dục quốc phòng, Thể dục thể thao, Giáo dục pháp luật, Chính trị, Tin học, Ngoại ngữ.
Các môn học cơ sở: Giải phẫu – sinh lý, Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu, Vi sinh – ký sinh trùng, Dược lý, Tổ chức và quản lý y tế, Vệ sinh phòng bệnh, Kỹ năng giao tiếp và giáo dục sức khỏe.
Các môn học chuyên ngành: Giải phẫu chức năng hệ vận động và thần kinh, Vận động trị liệu, Châm cứu, Xoa bóp trị liệu, Các phương pháp vật lý trị liệu, Vật lý trị liệu nội khoa, Vật lý trị liệu ngoại khoa, Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, Lượng giá chức năng vận động, Thực tập các kỹ thuật vật lý trị liệu cơ bản tại bệnh viện, Thực tập vật lý trị liệu ngoại khoa tại bệnh viện, Thực tập vật lý trị liệu nội khoa tại bệnh viện, Thực tập tại cộng đồng, Thực tập tốt nghiệp.
3. Các trường đào tạo kỹ thuật Phục hồi chức năng
Hiện nay, do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của xã hội ngày càng cao, theo đó nguồn nhân lực cho nhóm ngành sức khỏe cũng ngày một tăng lên. Các trường Đại học, Cao đẳng tập trung đào tạo cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng có thể kể đến như:
Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, Đại học Trà Vinh, Đại học Quốc tế Hồng Bàng …
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, Trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Trường Cao đẳng Miền Nam, Trường Cao đẳng Bách Việt, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Trường Cao đẳng Y Dược Hồng Đức …
4. Các kỹ thuật, phương pháp phục hồi chức năng
Vận động trị liệu
Với phương pháp này, bệnh nhân thực hiện các vận động, các tư thế hoặc các hoạt động thể lực của cơ thể một cách có hệ thống và kế hoạch nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Ngôn ngữ trị liệu
Ngôn ngữ trị liệu là phương pháp giúp cho những người bị khiếm khuyết về khả năng giao tiếp tập nói hoặc học cách sử dụng các loại ngôn ngữ giao tiếp khác như viết, mắt, động tác bằng tay (thủ ngữ) …
Hoạt động trị liệu
Phương pháp này áp dụng các hoạt động tự chăm sóc, công việc và trò chơi trong điều trị với mục đích gia tăng sự độc lập chức năng, tăng cường sự phát triển và ngăn ngừa tàn tật. Hoạt động trị liệu bao gồm sự thích ứng với công việc và môi trường để đạt được sự độc lập tối đa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp phát các cơ bắp, xương khớp và các cơ quan hoạt động tốt, từ đó giúp ngăn ngừa khuyết tật và nâng cao chất lượng sống
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là các phương pháp mà nhà trị liệu sử dụng để tác động tới tâm lý của người bệnh một cách tích cực và có hệ thống. Điều này giúp người bệnh đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực và mang lại sự yên tĩnh trong tâm hồn họ.
Ngoài ra, ngành Phục hồi chức năng còn sử dụng các phương pháp giúp người khuyết tật hòa nhập với xã hội như:
Giáo dục đặc biệt: Cho trẻ khuyết tật tham gia các lớp giáo dục đặc biệt. Ví dụ như việc cho trẻ mù tham gia lớp học chữ nổi, trẻ điếc câm học thủ ngữ…
Dạy nghề và hướng nghiệp: Tùy vào mức độ thương tật và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà dạy lại cho họ các kỹ năng nghề nghiệp để họ có thể hòa nhập vào xã hội.
Sử dụng các dụng cụ trợ giúp để di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày: Ví dụ như dùng chân hoặc tay giả. Ngoài ra, còn dùng các máng chỉnh hình, giày chỉnh hình hoặc nẹp chỉnh hình các loại như nẹp cổ chân, nẹp hông, nẹp đùi hoặc dùng khung tập đi, xe lăn, ghế ngồi đặc biệt hoặc tay cầm đặc biệt…
>>> Xem thêm: Các trường đào tạo kỹ thuật Phục hồi chức năng hiện nay
Đào tạo Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
5. Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng được trang bị những gì?
*Về kiến thức
1. Sử dụng các kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, các chính sách và văn quản quy phạm pháp luật làm nền tảng cho việc thực hành chuyên ngành phục hồi chức năng
- Diễn giải khái quát về cấu trúc, chức năng, quá trình phát triển con người trong trạng thái bình thường và bệnh lý.
- Giải thích cơ chế bệnh sinh của các bệnh trong chuyên ngành phục hồi chức năng.
- Phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng.
- Mô tả hệ thống y tế, các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về phục hồi chức năng.
2. Vận dụng các kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành để giải thích các nguyên lý của kỹ thuật phục hồi chức năng và thiết lập mục tiêu, ra quyết định can thiệp
- Sử dụng kiến thức cơ sở ngành: khoa học chuyển động, khoa học thần kinh, … để giải thích cơ chế của các kỹ thuật phục hồi chức năng.
- Sử dụng kiến thức chuyên ngành làm cơ sở cho việc lập kế hoạch lượng giá, xây dựng mục tiêu và chương trình can thiệp phù hợp với từng người bệnh trên lâm sàng.
- Sử dụng các kiến thức về nguyên lý, quy tắc, quy trình vận hành và bảo quản trang thiết bị phục hồi chức năng làm cơ sở cho việc vận hành trang thiết bị đảm bảo an toàn, hiệu quả.
*Về kỹ năng
Kỹ năng nghề nghiệp
3. Lượng giá, lập kế hoạch can thiệp và thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh tại viện dựa trên các chứng cứ khoa học
- Thu thập thông tin, lượng giá và phân tích các vấn đề về sức khỏe để xác định nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh tại viện.
- Lập kế hoạch can thiệp phục hồi chức năng phù hợp cho người bệnh.
- Thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng một cách thành thạo, có hệ thống và an toàn.
- Theo dõi, đánh giá trong và sau can thiệp để điều chỉnh kỹ thuật phục hồi chức năng phù hợp với người bệnh.
4. Tham gia tổ chức, thực hiện và giám sát các hoạt động trong khoa/phòng phục hồi chức năng
- Quản lý, sử dụng, bảo quản trang thiết bị, hồ sơ bệnh án trong phạm vi được phân công, phát hiện và báo cáo kịp thời khi có sự cố. Chịu trách nhiệm cá nhân về những phương tiện, tài sản được phân công.
- Quản lý, theo dõi, thực hiện thống kê các hoạt động chuyên môn theo mẫu quy định. Bảo quản, lưu trữ các tài liệu trong lĩnh vực được giao.
- Phân tích, kiểm tra, giám sát quy trình kỹ thuật; đề xuất giải pháp bảo đảm chất lượng kỹ thuật và an toàn trong chuyên môn.
5. Tham gia và phối hợp với các bên liên quan trong chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
- Xây dựng và hướng dẫn chế độ tập luyện cho người khuyết tật tại gia đình và cộng đồng.
- Thiết kế và hướng dẫn người khuyết tật, gia đình, cộng đồng sử dụng một số dụng cụ trợ giúp đơn giản hỗ trợ trong điều trị.
- Kiểm tra, đánh giá định kỳ sự tiến bộ của người khuyết tật và chuyển giao các kỹ thuật phục hồi chức năng cho người huấn luyện.
- Phối hợp với cán bộ chuyên môn trong nhóm phục hồi để giúp người khuyết tật độc lập tối đa trong sinh hoạt hàng ngày và từng bước hòa nhập cộng đồng.
Cử nhân Kỹ thuật phục hồi chức năng
6. Truyền thông phòng ngừa khuyết tật, giáo dục sức khỏe cho người bệnh, người khuyết tật và cộng đồng
- Thu thập và phân tích thông tin về nhu cầu, hiểu biết của cộng đồng/người bệnh về phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng.
- Xác định nhu cầu và những nội dung truyền thông phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng phù hợp với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
- Thực hiện tư vấn, truyền thông cho cá nhân, gia đình và cộng đồng phù hợp để phòng ngừa khuyết tật và phục hồi chức năng hiệu quả.
Kỹ năng mềm
7. Tự học, tự nghiên cứu nâng cao năng lực cá nhân để thích ứng với yêu cầu thực tế của công việc cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ
- Xác định mục tiêu, nguyện vọng phát triển nghề nghiệp dựa trên nhu cầu học tập, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tạo động lực và lập kế hoạch làm việc.
- Thường xuyên học tập, nghiên cứu, cập nhật và sử dụng được các thông tin giá trị, đáng tin cậy trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phục hồi chức năng để đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.
- Thể hiện thái độ tích cực với những đổi mới và những quan điểm trái chiều, thể hiện sự lắng nghe các kiến nghị và đề xuất nhằm thích nghi với những thay đổi.
- Có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm trong công việc.
- Có kỹ năng soạn bài, giảng dạy, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành, đóng góp vào việc đào tạo nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp cho đồng nghiệp và người học.
8. Có trình độ tin học và tiếng Anh (tối thiểu trình độ B hoặc B1 Châu Âu hoặc tương đương) để thực hiện các công việc của kỹ thuật viên phục hồi chức năng
- Sử dụng thành thạo máy tính, xử lý văn bản, bảng tính, trình chiếu, internet cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
- Sử dụng thành thạo tiếng Anh (tối thiểu trình độ B hoặc B1 Châu Âu hoặc tương đương) để thực hiện các công việc của kỹ thuật viên phục hồi chức năng.
- Sử dụng được tiếng Anh chuyên ngành cơ bản trong công việc của kỹ thuật viên phục hồi chức năng cũng như đọc tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh để học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
*Năng lực tự chủ và trách nhiệm
9. Tuân thủ việc hành nghề theo pháp luật, chính sách của nhà nước trong công tác phục hồi chức năng
- Vận dụng kiến thức về các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình hành nghề.
- Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
- Tuân thủ đúng quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật.
10. Có khả năng đưa ra kết luận, đánh giá và cải tiến về các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp
- Có khả năng đưa ra kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật.
- Có năng lực đánh giá và sáng kiến cải tiến các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực được giao.
11. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh, của cộng đồng về các nhu cầu phục hồi chức năng
- Tìm hiểu và lắng nghe nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh/cộng đồng.
- Tạo dựng niềm tin đối với người bệnh/cộng đồng.
- Giao tiếp phù hợp với người bệnh/cộng đồng.
12. Lắng nghe, tương trợ, khuyến khích và hỗ trợ đồng nghiệp và các bên liên quan trong thực hiện nhiệm vụ
- Lắng nghe các ý kiến của đồng nghiệp và các bên liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.
- Tạo dựng niềm tin, hỗ trợ, chia sẻ với đồng nghiệp và các bên liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.
Trên đây là bài tổng hợp tham khảo chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng. Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn hy vọng bài viết đã chia sẻ thông tin hữu ích cho bạn đọc.