Tổ chức đoàn thể | Thư viện Media | Hợp tác quốc tế
Hotline:
0287.1060.222 - 096.152.9898 - 093.851.9898
| Email:[email protected]

Kiến Thức Y Dược

Savi Esomeprazole 40 có thành phần và cách sử dụng như thế nào?

Cập nhật: 06/12/2021 11:07
Người đăng: Linh Vũ | 1858 lượt xem

Savi Esomeprazol 40Mg 14 viên được biết đến là thuốc trị viêm loét dạ dày. Vậy Savi Esomeprazole 40 có thành phần và cách sử dụng như thế nào?

1. Savi Esomeprazole 40 là thuốc gì?

Savi Esomeprazole 40 có tác dụng ức chế bài tiết Acid dạ dày, thuốc được dùng điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, viêm loét dạ dày - tá tràng, hội chứng Zollinger Ellison ...

Nhóm thuốc: Thuốc đường tiêu hóa

Dạng bào chế

Viên nén bao phim tan trong ruột.

Quy cách đóng gói

Hộp 2 vỉ x 7 viên.

Thành phần chính

Mỗi viên thuốc chứa:

  • Esomeprazole 40 mg (dưới dạng Esomeprazole magnesi trihydrat).
  • Tá dược vừa đủ: Copovidon VA 64, natri hydrocarbonat, Effer soda (natri hydrocarbonat 88 - 90%; natri carbonat 10 - 12%), Crospovidon CL, lactose monohydrat, colloidal anhydrous silica, magnesi stearat, Sepifilm LP 014, hydroxypropylmethylcelulose phthalat, polyethylen glycol 6000, talc, titan dioxyd, Erythrosin lake.

Nhà sản xuất

Công ty Cổ phần dược phẩm Savi.

Điều kiện bảo quản

  • Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30 độ C.
  • Thuốc lưu giữ trong vỉ có màng nhôm bọc kín nếu chưa sử dụng.
  • Để xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Lưu ý: Thuốc này chỉ dùng theo sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định.

>>> Mách bạn: Thuốc Telfast 180mg điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả

Savi Esomeprazole 40 là thuốc gì?

2. Tác dụng của thành phần thuốc

Dược lực học

Esomeprazol là dạng đồng phân S của omeprazol, được dùng tương tự như omeprazol trong điều trị loét dạ dày - tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Esomeprazol gắn với H+/K+ - ATPase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào thành của dạ dày, ức chế đặc hiệu hệ thống enzym này, ngăn cản bước cuối cùng của sự bài tiết acid vào lòng dạ dày. Vì vậy esomeprazol có tác dụng ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và cả khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân nào.

Dược động học

Hấp thu

Esomeprazol hấp thu nhanh, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng 1 - 2 giờ sau khi uống. Sinh khả dụng tuyệt đối là 64% sau khi uống liều đơn 40mg và tăng lên 89% khi dùng liều lặp lại 1 lần/ngày.

Thức ăn làm chậm và giảm sự hấp thu esomeprazol mặc dù điều này không ảnh hưởng đáng kể đến tác động của esomeprazol trên sự tiết acid dạ dày.

Phân bố

Thể tích phân bố biểu kiến ở trạng thái ổn định trên người khỏe mạnh khoảng 22 l/kg thể trọng. Khoảng 97% esomeprazol gắn vào protein huyết tương.

Chuyển hóa

Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan nhờ isoenzym CYP2C19, hệ enzym cytochrom P450, thành các chất chuyển hóa hydroxy và desmethyl. Phần còn lại được chuyển hóa qua isoenzym CYP3A4 thành esomeprazol sulfon, chất chuyển hóa chính trong huyết tương.

Thải trừ

Độ thanh thải huyết tương khoảng 17 l/giờ sau khi dùng liều đơn và khoảng 9 l/giờ sau khi dùng liều lặp lại. Thời gian bán thải trong huyết tương khoảng 1,3 giờ sau khi dùng liều lặp lại 1 lần/ngày. Esomeprazol thải trừ hoàn toàn khỏi huyết tương giữa các liều dùng và không có khuynh hướng tích lũy khi dùng 1 lần/ngày.

Các chất chuyển hóa chính của esomeprazol không có tác động đến sự tiết acid dạ dày. Khoảng 80% esomeprazol liều uống được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng các chất chuyển hóa, phần còn lại qua phân. Dưới 1% thuốc dạng không đổi được tìm thấy trong nước tiểu.

Sự tuyến tính

Dược động học của esomeprazol đã được nghiên cứu với liều lên đến 40mg, 2 lần/ngày. Diện tích dưới đường cong biểu diễn nồng độ trong huyết tương theo thời gian (AUC: Area under the curve) tăng lên khi dùng lặp lại esomeprazol. Sự tăng này phụ thuộc theo liều và tỷ lệ gia tăng AUC nhiều hơn tỷ lệ tăng liều sau khi dùng liều lặp lại. Sự phụ thuộc vào thời gian và liều dùng này là do giảm chuyển hóa bước đầu ở gan và giảm độ thanh thải toàn thân gây ra bởi sự ức chế enzym CYP2C19 của esomeprazol và/hoặc chất chuyển hóa sulfon.

3. Chỉ định và chống chỉ định của Savi Esomeprazole 40

Savi Esomeprazole 40 được dùng trong các trường hợp sau:

Đối với người lớn.

  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Điều trị loét thực quản trào ngược.
  • Điều trị hội chứng Zollinger Ellison.
  • Sau khi đã điều trị bằng đường tĩnh mạch để dự phòng tái phát chảy máu do loét dạ dày - tá tràng.

Đối với trẻ em > 12 tuổi:

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Điều trị loét thực quản trào ngược.

Chống chỉ định:

  • Người quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Bệnh nhân đang uống thuốc Nelfinavir.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho các đối tượng:
  • Bệnh nhân bị bệnh gan.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Bệnh nhân không dung nạp Galactose, thiếu hụt men Lactase có tính di truyền.
  • Người kém hấp thu Glucose - Galactose.

>>> Click ngay: Thuốc Cidetuss được dùng để điều trị ho có đờm

Liều dùng và cách sử dụng Savi Esomeprazole 40

4. Liều dùng và cách sử dụng

Cách dùng hiệu quả

Thuốc được dùng theo đường uống, uống nguyên viên cùng một cốc nước lọc. Không được bẻ hay nghiền viên thuốc.

Esomeprazole bị dịch vị dạ dày phá hủy, nên được bào chế dưới dạng viên bao tan ở ruột. Do đó, phải uống thuốc lúc đói để thuốc nhanh xuống ruột (trước bữa ăn 1 giờ) và đạt sinh khả dụng tối đa.

Chỉ dùng thuốc khi có đơn của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Liều dùng

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản:

Đối với người lớn: sử dụng 1 viên/lần/ngày dùng từ 1 - 2 tháng. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, có thể sử dụng thêm từ 1 - 2 tháng nữa.

Đối với trẻ em trên 12 tuổi: sử dụng 1 viên/lần/ngày dùng trong vòng 1 tháng. Nếu viêm thực quản chưa được chữa lành hoặc triệu chứng dai dẳng thì dùng thêm 1 tháng nữa.

Điều trị hội chứng Zollinger Ellison ở người lớn:

Liều ban đầu: 1 viên/lần, 2 lần/ngày. Lưu ý điều chỉnh liều theo khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

Liều kiểm soát của đa số bệnh nhân: từ 2 đến 4 viên, chia ngày 2 lần.

Điều trị kéo dài sau khi đã phòng tái xuất huyết do loét dạ dày - tá tràng ở người lớn:

Sử dụng 1 viên/lần/ngày trong vòng 4 tuần.

Trẻ em dưới 12 tuổi

SaVi Esomeprazole 40 không phù hợp để sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Người tổn thương chức năng thận

Không cần phải giảm liều ở người tổn thương chức năng thận.

Người tổn thương chức năng gan

Không cần phải giảm liều ở người tổn thương chức năng gan ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, ở bệnh nhân suy gan nặng, liều tối đa là 20mg esomeprazol/ngày; vì vậy không dùngSaVi Esomeprazole

Người cao tuổi

Không cần điều chỉnh liều ở người cao tuổi.

5. Tác dụng phụ của thuốc

Tùy từng trường hợp cụ thể xuất hiện các tác dụng phụ khác nhau:

Thường gặp: nôn, buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi ...

Ít gặp: mất ngủ, khô miệng, viêm da, mẩn ngứa, mề đay, phù ngoại biên …

Hiếm gặp: rối loạn vị giác, co thắt phế quản, giảm bạch cầu, tiểu cầu, giảm natri trong máu …

Rất hiếm gặp: Yếu cơ, vận động khó khăn, suy gan, bệnh não – gan, hội chứng Steven-Johnson, mất bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết sắc tố…

Nếu gặp bất cứ dấu hiệu khác thường nào kéo dài, cần liên hệ ngay dược sĩ, bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

6. Trường hợp quên liều, quá liều

Quên liều:

Uống ngay khi nhớ ra, nếu gần đến giờ uống liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều đã quên.

Tuyệt đối không uống gấp đôi liều

Quá liều:

Chưa có nhiều báo cáo về tình trạng quá liều. Với liều 80mg vẫn đảm bảo an toàn. Chỉ có thông tin về việc uống liều 200mg gây buồn nôn, khó chịu, đau bụng, mệt mỏi.

Nếu bệnh nhân phản ứng khi uống quá liều cần sự hỗ trợ của bác sĩ, trung tâm y tế kịp thời can thiệp.

Lưu ý khi sử dụng Savi Esomeprazole 40

7. Tương tác thuốc

Thuốc chứa Esomeprazole làm thay đổi khả năng hấp thu của các hoạt chất ức chế men Protease.

Esomeprazole làm giảm nồng độ Atazanavir và Nelfinavir trong huyết tương. Do đó, không dùng đồng thời các thuốc này.

Esomeprazole làm tăng nồng độ Tacrolimus trong huyết thanh. Phải giám sát chặt chẽ nồng độ Tacrolimus để điều chỉnh liều cho phù hợp.

Esomeprazole làm tăng sinh khả dụng của Cisaprid lên 32%.

Nồng độ Methotrexat trong máu tăng lên khi dùng chung với thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Nên xem xét việc dừng tạm thời thuốc PPI.

Thuốc chống trầm cảm, giải lo âu (Imipramine, Clomipramine, Phenytoin, Diazepam ...) được chuyển hóa nhờ Enzym CYP2C19. Mặt khác, Esomeprazole ức chế Enzym này. Vì thế, nồng độ trong máu của các thuốc trên tăng lên khi dùng kết hợp. Phải chú ý giảm liều thuốc chống trầm cảm.

Thuốc kháng nấm (Ketoconazole, Itraconazole), thuốc trợ tim (Digoxin) và muối sắt hấp thu phụ thuộc vào pH dạ dày. Do đó, khi dùng chung với Esomeprazole sẽ bị ảnh hưởng đến sinh khả dụng.

Kháng sinh Clarithromycin, Amoxicillin làm tăng nồng độ Esomeprazole trong huyết thanh.

Thời gian đông máu kéo dài hơn khi dùng chung thuốc PPI và Warfarin.

Các thuốc PPI (Esomeprazole, Omeprazole) làm giảm nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tính của Clopidogrel trong huyết tương, dẫn đến giảm tác dụng ức chế tiểu cầu của Clopidogrel.

Các chất ức chế men CYP3A4 (Clarithromycin) làm tăng gấp đôi sinh khả dụng của Esomeprazole khi dùng chung.

Ngược lại, nồng độ Esomeprazole trong huyết tương giảm khi dùng đồng thời với chất cảm ứng CYP3A4 và/hoặc CYP2C19 (Rifampicin)

8. Các đối tượng đặc biệt

Phụ nữ có thai

Chưa có nghiên cứu đầy đủ khi dùng esomeprazol ở người mang thai. Các thực nghiệm trên động vật khi dùng thuốc liều cao đều chưa thấy ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Chỉ sử dụng Esomeprazol khi thật cần thiết trong thời kỳ mang thai theo chỉ định của bác sĩ.

Bà mẹ đang cho con bú

Chưa rõ dược chất trong thuốc có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Trường hợp trẻ bú sữa chứa Esomeprazole, sẽ gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, mẹ cần hết sức lưu ý sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ đầy đủ.

Người lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như: buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, mất tập trung … Do đó, phải thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc.

9. Giá thuốc SaVi Esomeprazole 40mg

Savi Esomeprazole 40 có giá khoảng 72.000 – 85.000 đồng/hộp tùy vào từng cơ sở kinh doanh. Thuốc được bán tại nhiều hiệu thuốc trên toàn quốc.

Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp

 

Tin Liên quan

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn

Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn được thành lập theo Quyết định số 935/QĐ-LĐTBXH ngày 18/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, với nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực y tế.

  Cơ sở 1: Toà nhà : PTT - Đường số 3- Lô số 07, Công viên phần mềm Quang Trung, Phường: Tân Chánh Hiệp, Quận: 12, TP.HCM

  Cơ sở 2: Số 1036 Đường Tân Kỳ Tân Quý Tổ 129, Khu phố 14,  Phường: Bình Hưng Hòa, Quận: Bình Tân, TP.HCM ( Ngã 3 đèn xanh đèn đỏ giao giữa đường Tân Kỳ Tân Quý và Quốc lộ 1A).

  Website: caodangyduochcm.vn

  Email: [email protected]

  Điện thoại: 0287.1060.222 - 096.152.9898 - 093.851.9898

  Ban tư vấn tuyển sinh: 0338293340 - 0889965366 - 0399492601

LIÊN KẾT MẠNG XÃ HỘI
DMCA.com Protection Status
0961529898