Phục hồi chức năng hô hấp rất quan trọng đối với bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp mãn tính. Bài viết dưới đây hướng dẫn các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp cho người bệnh.
1. Kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp là gì?
Kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp là sử dụng những bài tập, biện pháp giáo dục, và can thiệp hành vi để cải thiện chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bị các bệnh lý hô hấp mạn tính.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp có thể kế đến như:
- Kỹ thuật vỗ lồng ngực
- Kỹ thuật rung lồng ngực
- Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
- Kỹ thuật tập hít thở
- Kỹ thuật thở ra mạnh
- Vận động trị liệu hô hấp
- Tập ho (kích thích ho, ho có trợ giúp)
Mục tiêu của các các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp là
- Giúp long đờm và thông thoáng đường thở
- Tăng cường sức cơ hô hấp.
- Tăng cường giãn nở ở phổi.
- Phục hồi chức năng hô hấp.
- Tăng khả năng gắng sức
- Giảm thời gian nằm viện và số lần nhập viện.
>>> Click ngay: Học Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu ở đâu tại TP Hồ Chí Minh
Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp
2. Chỉ định và chống chỉ định đối với vật lý trị liệu phục hồi bệnh hô hấp?
Kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp trên ... bị ứ đọng đờm và không thể tự ho khạc được.
- Các đợt cấp tính của các bệnh hô hấp nêu trên.
- Người bị tràn dịch màng phổi đã được dẫn lưu nhưng gặp di chứng sau tràn dịch.
- Áp xe phổi (giai đoạn mủ thoát ra ngoài), xẹp phổi.
- Cải thiện thông khí ở những bệnh nhân bị tắc nghẽn đờm trong đường hô hấp và phải nằm một chỗ trong thời gian dài (bại liệt, tai biến, ...).
- Bệnh nhân chuẩn bị hoặc sau khi thực hiện các phẫu thuật làm ảnh hưởng đến thể tích phổi (phẫu thuật lồng ngực, cột sống, ...)
Chống chỉ định đối với các đối tượng sau:
- Bệnh nhân có dấu hiệu của suy hô hấp cấp tính như thở co kéo, thở rên, da tái, niêm mạc nhợt nhạt.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý như truyền nhiễm, xuất huyết, cao áp phổi, tứ chứng Fallot (chưa phẫu thuật), ...
- Các chỉ số đo được như SpO2 < 91%, tiểu cầu < 80.000, Hb < 10g/dL.
3. Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp
- Kỹ thuật vỗ lồng ngực
Mục đích:
Giúp làm rung cơ học và tống đờm dãi ứ đọng trong phổi ra ngoài.
Vỗ phổi nhằm để tạo ra những cơn sóng cơ học tác động qua thành ngực vào phổi.
Vị trí:
Chọn vị trí tương ứng với phân thùy phổi
Vỗ phía sau của hai bên thành ngực
Cách thực hiện:
Chụm bàn tay lại và các ngón khép lại với nhau. Thực hiện động tác vỗ lên thành ngực để tạo nên một đệm không khí giữa tay và thành ngực
Luôn giữ vai, khuỷu, cổ tay của kỹ thuật viên ở trạng thái thoải mái, mềm mại và không lên gân. Tốc độ vỗ vừa phải, tránh dùng lực quá mạnh sẽ gây đau và khó chịu cho người bệnh.
Có thể di chuyển bàn tay lên trên hoặc xuống dưới, đồng thời có thể đi ra xung quanh theo kiểu vòng tròn Khi vỗ bạn hãy lót khăn mỏng trên da. Vỗ rung cũng là biện pháp điều trị hỗ trợ bệnh lý hô hấp. Khi vỗ rung cần lưu ý vỗ nhẹ, đều, liên tục, tránh làm đau và tổn thương các vùng cột sống, xương đòn bả vai, dạ dày của người bệnh.
>>> Mách bạn: Thí sinh không tốt nghiệp THPT thì học gì cho phù hợp?
Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp
- Kỹ thuật rung lồng ngực
Mục đích:
Rung lồng ngực là kỹ thuật mang tính chất cơ học, có tác dụng làm long đờm và di chuyển đờm vào phế quản để khạc nhổ đờm ra ngoài.
Cách thực hiện:
Tiến hành kỹ thuật rung khi người bệnh thở ra
Kỹ thuật viên sẽ đặt hai tay lên thành ngực từ phía sau, sau đó luồn tay vào các kẽ sườn với mỗi người bệnh ... Khi người bệnh hít vào sẽ đẩy xương sườn ra và chống lại sức đè.
Khi thở ra, các kỹ thuật viên sẽ ấn tay rồi rung tay nhẹ vào thành ngực để đẩy đờm dãi từ phế quản nhỏ đến phế quản lớn và ra ngoài.
- Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
Mục đích: Giúp phục hồi bệnh hô hấp.
Thực hiện:
Đặt bệnh nhân ở những tư thế để dịch đờm bị ứ đọng trong phổi có thể di chuyển ra các phế quản nhỏ đến lớn và sau đó thì chảy ra ngoài dưới tác động của trọng lực. Tùy vào vùng phổi tổn thương cần tác động, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu và hướng dẫn đặt bệnh nhân ở những tư thế khác nhau.
- Kỹ thuật tập hít thở
Bệnh nhân được hướng dẫn tập hít thở các kiểu như: thở ra chậm và kéo dài, hít vào chậm với dụng cụ, thở thở chủ động hoặc thụ động, thở gắng sức, thở có đề kháng, thở ngực chủ động, thở bụng (thở cơ hoành), dẫn lưu tự sinh.
Ví dụ: Khi hít vào cơ hoành hạ xuống và phồng bụng lên. Sau đó hãy thở ra đồng thời cơ hoành nâng lên, bụng lõm xuống.
Cần hướng dẫn người bệnh tập thở với những tư thế khác nhau như đi lại, nằm, ngồi, hay khi đi lên cầu thang. Với mỗi trường hợp thì bạn hãy đặt tay lên vùng thượng vị nhằm giúp kiểm soát kiểu thở.
- Kỹ thuật thở ra mạnh
Mục đích: giúp đẩy đờm ra khỏi đường thở một cách có kiểm soát. Tránh tình trạng ho tống đờm gây mệt mỏi.
Bắt đầu, hít vào chậm và sâu. Nín thở trong vài giây. Sau đó, thở ra mạnh và kéo dài. Hít vào nhẹ nhàng. Hít thở đều vài lần trước khi lập lại.
Lưu ý: Chỉ nên dùng các loại thuốc long đờm, loãng đờm, không nên dùng các thuốc có tác dụng ức chế ho.
- Vận động trị liệu hô hấp
Mục đích: giúp tăng cường thể chất và sức khỏe cũng như tuổi thọ của bệnh nhân, bao gồm; vận động tăng sức bền và vận động tăng sức cơ.
Đối tượng: người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc các bệnh lý phổi mãn tính khác (giai đoạn ổn định).
- Vận động tăng sức bền: Bao gồm các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội, ... Bệnh nhân có thể được hướng dẫn vận động tăng sức bền theo kiểu liên tục hoặc ngắt quãng (áp dụng với bệnh nhân tắc nghẽn phổi rất nặng), với tần suất từ 3 - 4 lần/tuần.
- Vận động tăng sức cơ: Bao gồm các hoạt động như nâng tạ, giữ thăng bằng, ... Vận động tăng sức cơ trong phục hồi bệnh hô hấp bao gồm các bài tập vận động chi dưới và chi trên. Trong đó, vận động chi dưới sẽ không ảnh hưởng đến chức năng hô hấp nhưng giúp cải thiện khả năng gắng sức, còn vận động chi trên sẽ vừa làm tăng sự hoạt động của các cơ hô hấp phụ, giúp giảm nhu cầu thông khí, vừa giúp cải thiện sức cơ.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp
4. Lưu ý khi thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp
Trong khi thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp cần lưu ý:
- Quan sát và theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình tập để có thể phát hiện những bất thường nếu có xảy ra. Nếu người bệnh ngưng thở hoặc có dấu hiệu suy hô hấp cần gọi bác sĩ ngay, hoặc cho người bệnh thở oxy, mặt nạ.
- Khi thực hiện các động tác như vỗ rung, cần phải nhẹ nhàng và tránh tác động vào những vùng như xương sườn, dạ dày, cột sống.
- Có thể thực hiện đa dạng các bài tập, nhưng chỉ nên tập khoảng 30 phút/buổi, kết hợp nghỉ ngơi xen kẽ, duy trì tập luyện để đạt hiệu quả cao và lâu dài, kết hợp với thuốc giãn phế quản và oxy để đạt cường độ vận động theo mong muốn.
- Các kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp giúp long đờm, kích thích ho khạc đờm, giúp thông thoáng đường hô hấp, từ đó cải thiện và phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh.
- Với những bệnh nhân có chỉ định khí dung thì cần thực hiện trước khi tiến hành vật lý trị liệu khoảng 15 – 20 phút.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp