Sau 3 ngày được thầy lang đắp thuốc chữa bỏng, vết thương của bé A. ngày càng nặng, hoại tử...
Thầy lang chữa bỏng giá 25 triệu đồng
Ôm cậu con trai 13 tháng tuổi vừa được tiến hành ghép da lần 2, chị Trần Thị U. (SN 1992, trú xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) nói trong ân hận: “Suýt tí nữa thì mẹ hại con rồi. Cũng may là chưa quá muộn”.
Người mẹ này kể lại, gần 1 tháng trước, trong lúc chơi đùa, con trai của chị là bé Đặng Nhật A. (13 tháng tuổi) không may bị nước sôi đổ vào người. Phát hiện sự việc, chị U. cùng người thân đã vội ngâm đứa trẻ vào chậu nước lạnh để hạ nhiệt độ.
Sau khi cởi chiếc áo len bé mặc trong người ra, người mẹ mới hoảng hốt phát hiện cả vùng bụng, ngực của con trai bị đỏ tấy, da bong tróc.
>>> Cập nhật những tin tức mới nhất:
- Vaccine Covid-19 Việt Nam đang ở giai đoạn nào?
- Tiến hành tái tạo ngực sau 15 năm cắt u ung thư
- HÀ NỘI: Bệnh nhân vừa phát hiện tái dương tính lại có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Dự tính sẽ đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu nhưng một số người thân lúc đó đã cản lại và giới thiệu chị U. đưa con trai tới một thầy lang có tiếng chữa bỏng ở gần nhà.
“Khi đưa con đến khám qua, người này đưa ra một tờ giấy có đóng mộc đỏ, được chứng nhận và cam kết sẽ chữa khỏi vết bỏng của bé trong vòng 15 ngày. Chi phí chữa trị là 25 triệu đồng”, người mẹ nói.
Thấy người dân tin tưởng, tìm đến vị thầy lang này chữa bỏng nhiều, hơn nữa, người này cũng xuất trình giấy chứng nhận, đồng thời cam kết chắc chắn sẽ làm lành vết thương nên chị U. quyết định để con trai chữa trị tại đây.
Sau cái gật đầu đó, bé A. được vị thầy lang này chữa bỏng bằng cách đắp thuốc vào vết thương. Lúc này bé chơi ngoan, không còn khóc nhiều.
Ngày thứ 3 điều trị, khi chị U. chuẩn bị sẵn tiền để trả cho thầy lang thì cũng là lúc bé A. bắt đầu xuất hiện tình trạng môi đỏ thâm, sốt cao và tiêu chảy.
“Lo sợ quá, tôi gọi cho thầy lang thông báo và nói phải đưa cháu tới bệnh viện thì họ nói cứ đưa đến bệnh viện rồi đưa về đây chữa trị tiếp”, người mẹ trẻ nói.
Tuy nhiên, khi đưa con vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thăm khám, chị U. lại ngã ngửa khi hay tin tình trạng bé không đỡ mà ngày càng càng sưng to, đau rát.
Hiểm họa từ việc đắp thuốc không rõ nguồn gốc
Bác sĩ CKII. Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bé A. nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhi bị hoại tử bỏng sâu độ 3, độ 4 do bỏng nước sôi, kết hợp với nhiễm trùng do bôi thuốc lá tạo màng gây tăng thêm độ sâu cho vết thương, khiến việc chữa trị thêm phần phức tạp.
Hơn nữa, do bệnh nhi bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nên phải dùng kháng sinh liều cao, chờ sức khỏe ổn định mới có thể tiến hành cấy ghép da.
“Cháu đã dần bình phục sau 2 lần ghép da. Thường trẻ bị bỏng 10% đã nặng rồi, nhưng bệnh nhi này bị tới 20%. Nếu cháu không được đưa vào bệnh viện kịp thời thì phần hoại tử sẽ ăn vào sâu, thậm chí vào trong cơ, xương. Dễ bị nhiễm độc, thậm chí tử vong”, bác sĩ Bình nói.
Theo bác sĩ Bình, thời gian qua, bệnh viện này đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng do đắp thuốc không rõ nguồn gốc.
Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và tốn rất nhiều chi phí.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, xả vết bỏng dưới vòi nước mát ít nhất 15 phút (tuyệt đối không dùng đá, tránh gây bỏng lạnh).
Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm độ sâu của vết thương, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Nếu có bọng nước, kết vảy thì không nên bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn.
Tuyệt đối không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.
Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để được khám bệnh và điều trị, tránh các biến chứng.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!