Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức khỏe của bác sĩ, điều dưỡng không chỉ là tài sản của riêng họ mà là tài sản của cả hệ thống y tế.
Sau 99 ngày “an toàn”, từ 25/7, Việt Nam đã xuất hiện trở lại các ca Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ trong 10 ngày qua, dịch đã lan ra 11 tỉnh với 264 ca mắc đều liên quan đến Đà Nẵng. Đáng lưu ý, đã có 15 nhân viên y tế nhiễm bệnh.
>>>> Cập nhật thêm tin tức mới nhất:
- Một số hình ảnh bệnh viện dã chiến 700 giường tại Đà Nẵng trước giờ hoàn thiện
- Phía bệnh viện Quân Y Đà Nẵng sẽ tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19
- Bệnh nhân 91: "Tôi là bằng chứng về mức độ nguy hiểm của Covid-19"
Cán bộ y tế phải đương đầu nhiều thách thức
Tại buổi tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19” do Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức ngày 5/8, Ths Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhìn nhận, việc y bác sĩ trở thành bệnh nhân là trạng thái đảo chiều không ai mong muốn.
Trong giai đoạn đầu, Việt Nam chỉ ghi nhận 2 bác sĩ nhiễm Covid-19, song bước sang giai đoạn mới đã có 15 trường hợp, chiếm 6%. Tỉ lệ này tương đương với thống kê của Hội Điều dưỡng Thế giới tại 77 quốc gia.
Dù thấp hơn thế giới song tình hình dịch bệnh chưa thể đoán trước, cán bộ y tế còn phải đương đầu với nhiều thách thức phía trước, có thể có thêm người nhiễm.
“Đây là vấn đề rất đáng lo vì một cán bộ y tế mắc bệnh sẽ kéo theo nhiều đồng nghiệp trong khoa, trong bệnh viện rơi vào trạng thái cách ly, khi đó không còn nguồn nhân lực phục vụ bệnh nhân”, ông Mục lo lắng.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phải cấp tốc chi viện cho Đà Nẵng hàng loạt y, bác sĩ, điều dưỡng giỏi từ khắp nơi như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định… UBND thành phố Đà Nẵng cũng phải ra văn bản kêu gọi các tỉnh hỗ trợ chống dịch.
Ông Mục cho biết, xét về tỷ lệ điều dưỡng bình quân trên 10.000 dân, Việt Nam phải tăng gấp đôi con số hiện tại mới có thể bằng được Thái Lan, tăng gấp 3 để bằng Malaysia và tăng 10 lần mới bằng Nhật Bản.
Do đó, ngay các tỉnh chưa có dịch cũng cần gấp rút đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là y, bác sĩ có năng lực về hồi sức cấp cứu vì các bệnh nhân đang rất cần lực lượng này.
Bảo vệ nhân viên y tế là nhiệm vụ hàng đầu
Theo ông Mục, trong trận chiến với Covid-19, vai trò của các điều dưỡng rất quan trọng, vừa là hậu thuẫn chuyên môn cho bác sĩ, vừa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân do không có người thân.
Do đó, điều dưỡng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều nhất, phục vụ dài ngày, làm tất cả công việc chăm sóc, thủ thuật… nên rất dễ bị văng giọt bắn từ bệnh nhân.
Trong tình hình hiện nay, Chủ tịch Hội Điều dưỡng cho rằng bảo vệ nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nếu nhân viên y tế không có sức khoẻ không thể làm việc, nếu mang mầm bệnh, họ sẽ tiếp tục lây lan virus cho các bệnh nhân khác và hệ thống y tế sẽ thiếu đi lực lượng để điều trị, phục vụ.
“Hơn bao giờ hết, sức khỏe của bác sĩ, điều dưỡng giờ không chỉ là tài sản của riêng họ mà là tài sản của cả hệ thống y tế. Do đó, cần tuân thủ mọi biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, đồng nghiệp và bệnh nhân”, ông Mục chia sẻ.
Chủ tịch Hội Điều dưỡng cũng đề nghị cơ quan chức năng phải quản lý nghiêm chất lượng của trang thiết bị y tế, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay y tế khi trên thị trường xuất hiện các cơ sở tái chế.
"Thiết bị phòng hộ chính là lá chắn bảo vệ các nhân viên y tế. Do đó, phải đảm bảo rằng, các vật tư kém chất lượng không được lọt vào bệnh viện, cơ sở y tế", ông Mục cho hay.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định: "Việc cán bộ y tế phải bị cách ly là điều không ai mong muốn, họ cũng hoang mang, lo lắng. Đáng ra họ sẽ đang là những người cầm súng ra trận nhưng nay họ lại không thể cầm súng, không được cống hiến và còn phải sống xa gia đình".
Với vai trò là tổ chức công đoàn, Công đoàn Y tế Việt Nam làm hết sức có thể để chia sẻ với các cán bộ.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, do chưa tìm thấy F0 nên tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà.
Trong đó tập trung phân luồng thật tốt, thấy người có triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc dịch tễ có liên quan đến Đà Nẵng cần tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay.
Bên cạnh đó, phải chủ động tuyên truyền cho các bệnh nhân đến khám tuân thủ giãn cách và đeo khẩu trang, đây đều là những biện pháp cực kì quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan.
Ông nhận định, việc 4 bệnh viện lớn ở Đà Nẵng bị phong tỏa ngay khi dịch vừa bùng phát là bài học cho công tác chống dịch Covid-19, gây ra rất nhiều khó khăn cho chính lực lượng điều trị.
Do đó, tới đây tới đây, ngành y tế sẽ tăng cường kiểm tra tất cả cơ sở y tế, đơn vị nào lơ là chuyên môn, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo Vietnamnet.vn!