Mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà là việc không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng mà còn góp phần giảm tải áp lực cho các cơ sở Y tế. Đây được coi là một lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Dưới đây là thủ tục mở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà bạn có thể tham khảo.
Chăm sóc sức khỏe tại nhà là gì và các loại dịch vụ
>>>> Xem ngay: Danh sách các trường đào tạo ngành Cao đẳng Điều dưỡng chính quy
Chăm sóc sức khỏe tại nhà bao gồm các dịch vụ Y tế được cung cấp trực tiếp tại nơi ở của bệnh nhân hoặc người gặp chấn thương. Loại hình chăm sóc này thường có chi phí thấp hơn, tiện lợi hơn và mang lại hiệu quả tương đương với việc điều trị tại bệnh viện hoặc các cơ sở Y tế chuyên nghiệp.
Mục đích chính của dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà là cùng cấp liệu pháp điều trị kịp thời và hiệu quả, giúp người bệnh hồi phục ngay tại môi trường quen thuộc mà không phải mất thời gian di chuyển đến các cơ sở Y tế.
Các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà:
+ Chăm sóc vết thương hở hoặc vết thương sau phẫu thuật.
+ Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân cho người nhà.
+ Truyền nước, tiêm thuốc.
+ Giám sát các bệnh nhân nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe không ổn định.
….
Điều kiện mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Kể từ ngày 12/11/2018 Nghị định 155/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực đã bãi bỏ quy định tại Điều 34 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, và bổ sung Điều 33a về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ Y tế, theo đó cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều này như sau:
- Cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định (trừ trường hợp tổ chức khám bệnh, chữa bệnh lưu động).
- Thiết bị Y tế: Có đủ trang thiết bị Y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.
- Nhân sự:
+ Đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cung cấp các dịch vụ như thay băng, cắt chỉ; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chăm sóc mẹ và bé; lấy máu xét nghiệm, trả kết quả; chăm sóc người bệnh ung thư và các dịch vụ điều dưỡng khác tại nhà, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà phải là người tốt nghiệp trung cấp y trở lên có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 45 tháng”.
+ Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đối tượng khác làm việc trong cơ sở nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Căn cứ vào phạm vi hoạt động chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công người hành nghề được thực hiện các kỹ thuật chuyên môn bằng văn bản.
+ Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
Như vậy, khi bạn muốn mở cơ sở thực hiện dịch vụ chăm sóc mẹ và bé bạn phải thực hiện đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và cần đáp ứng những điều kiện đối với cơ sở dịch vụ Y tế theo quy định trên.
Thủ tục mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn Y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị Y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
- Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị Y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định 109/2016/NĐ-CP.
- Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện, nhà hộ sinh không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở.
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
- Số lượng: 01 bộ
Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại mẫu số 09 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP cho người đề nghị mở cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định tại cơ sở để cấp giấy phép hoạt động:
– Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế phải có văn bản thông báo cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà xin cấp giấy phép hoạt động hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.
– Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định và tiến hành thẩm định tại cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà để cấp giấy phép hoạt động.
– Trường hợp không cấp giấy phép hoạt động, Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bước 4: Trả giấy phép hoạt động cho cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Trên đây là thủ tục mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà mà Ban Tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn đã tổng hợp. Hy vọng bạn đã có được thêm những thông tin hữu ích cho mình.