Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, các thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên và THPT sẽ thi chung một phòng, mỗi thí sinh có một số báo danh riêng.
Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020, việc lập danh sách thí sinh dự thi và xếp phòng thi ở mỗi Hội đồng thi (có một mã riêng và được thống nhất trong toàn quốc) được thực hiện theo từng địa điểm thi.
>>> Cập nhật thêm tin tức:
- Hạnh kiểm từ mức trung bình trở lên mới được dự kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: 3 đối tượng được miễn thi tất cả các bài thi
- Kỳ thi THPT Quốc gia 2020: Giáo viên trung học sẽ coi thi, chấm thi
Cụ thể, lập danh sách tất cả thí sinh đăng ký dự thi theo thứ tự a, b, c... và gắn với số báo danh; tên thí sinh theo từng bài thi để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất; gồm mã của hội đồng thi (2 chữ số) và 6 chữ số tiếp theo được đánh tăng dần, liên tục từ 000001 đến hết số thí sinh; đảm bảo không có thí sinh trùng số báo danh.
Về xếp phòng thi, thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh hệ THPT, đảm bảo có ít nhất 60% thí sinh hệ THPT trong tổng số thí sinh của địa điểm thi (trong trường hợp đặc biệt cần phải có ý kiến của Bộ GD&ĐT).
Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang. Số phòng thi của mỗi hội đồng thi được đánh theo thứ tự tăng dần.
Trước cửa phòng thi, phải niêm yết danh sách thí sinh trong phòng thi của từng buổi thi và trách nhiệm thí sinh theo quy định của Quy chế thi.
Đăng ký nguyện vọng bao nhiêu là đủ?
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, quy chế tuyển sinh 2020 tiếp tục cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng.
Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu của Vụ Giáo dục đại học, trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1.
Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa.
Quyền Vụ trưởng khuyên: “Thí sinh cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Câu chuyện chọn ngành, chọn trường… không nên là câu chuyện của thời gian cuối, đây là thời điểm các em cần tập trung cao độ cho việc ôn thi thật hiệu quả để đạt mục tiêu trúng tuyển vào trường đại học mơ ước”.
Đồng thời, mùa tuyển sinh 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1. Do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng ký dự thi THPT.
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường. Tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên.
Đối với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
“Với việc Bộ GD&ĐT hỗ trợ lọc ảo, một thí sinh có n nguyện vọng chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ, nộp đăng kí 1 nơi. Do vậy công tác xét tuyển nguyện vọng và lọc ảo cơ bản ổn định như các năm. Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn dẫn nguồn từ Báo vtc.vn!