Đề xuất các trường Đại học được công bố điểm xét tuyển sớm sau 31/5 để các em tập trung việc học. Thế nhưng, nhiều ý kiến khác lại cho rằng việc này làm tăng áp lực, quyền tự chủ Đại học giảm.
Hạn chế tiêu cực hay gây áp lực khi công bố điểm xét tuyển sớm sau 31/5?
Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020-2024 diễn ra vào ngày 31/10 vừa qua, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Huỳnh Văn Chương đề xuất các trường Đại học không được công bố điểm xét tuyển sớm trước 31/5. Theo ông, thời điểm này là kết thúc năm học, các trường công bố sớm quá sẽ ảnh hưởng tới việc học của các em đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
>>>> Đề xuất: Sau năm 2030 thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn vừa qua có hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế...) đã được các trường Đại học áp dụng. Dự tính mỗi năm trong hơn 600.000 thí sinh vào Đại học có khoảng 50% đỗ theo phương thức xét tuyển sớm.
Rất nhiều trường từ tháng 1 đã có công bố hoặc từ tháng 3,4 với xét điểm học bạ là 3-5 học kỳ, không có học kỳ II lớp 12 vì thời điểm này các em đều chưa kết thúc năm học.
Lý giải về việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ không muốn việc các trường Đại học công bố điểm xét tuyển sớm làm ảnh hưởng tới việc học chính của các em học sinh. Khi biết điểm các em sẽ lơ là hơn trong việc học và kỳ thi chính là tốt nghiệp THPT.
Khi nhận được đề xuất này, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, ông Trần Mạnh Hà và Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM, ông Nguyễn Trung Nhân cũng đồng tình với quan điểm trên.
Thứ nhất, chưa thể phản ánh được đầy đủ khả năng của học sinh khi không tính điểm học kỳ II lớp 12. Hầu hết, các kiến thức quan trọng đều rơi vào kỳ cuối của lớp 12 này.
Thứ hai, Học sinh sẽ chủ quan, lơ là học tập nếu như biết được kết quả trúng tuyển sớm trước khi kết thúc năm học. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đặc biệt quan trọng.
Tại hội nghị Giáo dục Đại học hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và nhiều chuyên gia cũng lo ngại về vấn đề xét tuyển sớm này. Đối với ông giáo dục phổ thông cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khá lớn vì xét tuyển sớm.
"Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại", ông đánh giá. Ngoài ra, chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp sẽ bị ít lại, điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên cao. Rất nhiều em thí sinh đạt điểm cao mà không đỗ được nguyện vọng mong muốn. Điều này tạo ra sự mất công bằng trong việc xét tuyển vào các trường Đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công bố điểm chuẩn sau 31/5 sẽ hạn chế được tối đa việc này.
Từ năm 2022, các trường công bố danh sách đủ điều kiện trúng tuyển, tuyệt đối không được yêu cầu thí sinh nhập học sớm hơn lịch chung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra.
Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Thương mại, ông Nguyễn Quang Trung nhận định với cơ chế này sẽ khiến thí sinh khi ký xét tuyển sớm sẽ có tâm lý chọn ngành, trường có đầu vào thấp hơn năng lực để chắc chắn có được cơ hội.
Trên hệ thống chung của Bộ, khi các nhập nguyện vọng của mình lên, các em sẽ ưu tiên ngành mình thích lên đầu, rồi mới tới các ngành đã đỗ sớm. Điển hình có thể nói đến năm 2024, có hơn 375.500 thí sinh trúng tuyển sớm nhưng số em đặt làm nguyện vọng 1 chỉ chiếm 40%.
"Từ đó để thấy việc công bố kết quả xét tuyển quá sớm cũng không giúp các trường chắc chắn được thí sinh lựa chọn", ông Trung nói. "Do đó, lùi thời gian công bố kết quả tới sau 31/5, bức tranh tuyển sinh cũng không thay đổi nhiều".
Ông Trần Mạnh Hà cho rằng các trường chỉ bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm. Trong khi đó việc đề xuất này lại có sự tác động tích cực rất lớn. Nó sẽ giúp tạo công bằng cho các trường Đại học và cả thí sinh tham gia xét tuyển.
>>>> Mách bạn: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 xu hướng chọn môn như thế nào?
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục Đại học cho phép Đại học tự chủ tuyển sinh. Vì thế, không ít các trường Đại học đã có ý kiến phản đối khi nhận được đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó hiệu trưởng một Đại học tư thục tại TP Hồ Chí Minh cho rằng xét tuyển sớm thì việc công bố điểm sớm là điều hiển nhiên. Nếu công bố sau 31/5 thì đâu gọi là xét tuyển sớm.
"Xem như các phương thức xét tuyển sớm bị triệt tiêu, gây khó khăn cho các trường phụ thuộc vào nguồn thí sinh từ xét tuyển sớm", ông nói.
Ông cho rằng, trên lý thuyết người học và các trường sẽ bị động mặc dù thí sinh và chỉ tiêu vẫn còn đó. Các thí sinh xét tuyển sớm và ngành mong muốn phải chờ đợi đến tháng 6 mới biết được mình đỗ hay trượt, tạo tâm lý hoang mang cho các em.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM cũng cho rằng việc làm này không tạo công bằng mà còn gây ra thiệt thòi. Khi biết được mình đỗ sớm kỳ thi này, các em sẽ có được tâm lý thoải mái cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngược lại, biết muộn các em sẽ phải dồn lực ôn tập trong tâm lý lo lắng.
Trưởng phòng Tuyển sinh, trường Đại học Đại Nam, bà Cao Thị Quỳnh nêu ý kiến việc xét tuyển sớm giúp thí sinh chủ động chọn môn có kết quả tốt để đăng ký. Như vậy, các em sẽ có cơ hội đỗ ngành mình yêu thích cao hơn.
"Không công bố điểm chuẩn sớm ảnh hưởng trực tiếp tới phụ huynh và thí sinh, bởi họ mong muốn có thông tin sớm để đưa ra quyết định", bà Quỳnh nói.
Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng tới tiến độ tuyển sinh. Các trường sẽ không thể tự chủ được trong tuyển sinh, sự đa dạng về thí sinh cũng bị giảm sút và gây áp lực khi các trường phải xử lý một lượng hồ sơ lớn cùng lúc.
Vào tháng 11, dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2025 dự kiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật