Theo đề xuất của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học không được công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31/5. Điều này giúp cho học sinh tập trung vào việc học.
Đề xuất trường Đại không công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước 31/5
Ngày 31/10, trong Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Huỳnh Văn Chương chia sẻ về việc công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm.
Theo đó, ông cho rằng thời điểm kết thúc năm học là ngày 31/5. Sau thời gian này, các phương thức xét tuyển sớm mới được công bố. Việc công bố sớm sẽ làm cho các em học sinh chủ quan trong việc học tập, ôn luyện làm ảnh hưởng tới kỳ thi quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
>>>> Xem ngay: Bộ GD-ĐT nghiên cứu đảm bảo công bằng giữa các tổ hợp xét tuyển
Hiện nay, các trường Đại học được tự chủ tuyển sinh theo Luật Giáo dục. Qua thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tổng cộng hơn 20 cách xét tuyển các trường đang sử dụng. Phương thức chủ yếu là xét tuyển sớm như: Bằng điểm học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, tư duy, kết hợp... Năm 2023, trong hơn 500.000 thí sinh đỗ Đại học, số thí sinh nhập học bằng cách xét điểm các kỳ thi riêng chiếm khoảng 2,57%. Năm 2024 có tới 214 trường trên tổng 322 trường xét tuyển sớm. Hơn 375.500 em sinh viên trúng tuyển với phương thức này. Tỷ lệ chiếm 50% tổng số đăng ký xét tuyển Đại học.
Trong đó, ngay từ tháng 1, nhiều trường đã xét học bạ với điểm của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Có những trường từ tháng 3 đã công bố điểm chuẩn học bạ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và nhiều chuyên gia cho rằng việc công bố xét tuyển quá sớm này gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến giáo dục phổ thông giai đoạn cuối. Do học sinh chưa học hết lớp 12 nên nguồn dữ liệu dùng xét tuyển cũng không đầy đủ. Chỉ tiêu xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp đang bị hạn chế do các trường đang dùng nhiều phương thức tuyển sinh sớm. Rất nhiều em thí sinh gặp phải tình trạng không đạt nguyện vọng mình mong muốn dù điểm khá cao.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý chất lượng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đối với các kỳ thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy do các trường Đại học tự tổ chức cần được kiểm tra và giám sát một cách chặt chẽ.
Ngân hàng câu hỏi và đề thi của các kỳ thi riêng cần được xây dựng đi đúng hướng mục tiêu đào tạo của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Chương đặc biệt lưu ý vấn đề này bởi việc dạy và học ở các trường phổ thông cần không bị ảnh hưởng bởi các kỳ thi riêng khác, khiến học sinh đi ôn thi riêng quá nhiều, không đúng định hướng.
Hiện nay trên cả nước có khoảng 10 kỳ thi Đánh giá năng lực, tư duy do các trường Đại học tổ chức. Trong đó kỳ thi có lượng thí sinh đăng ký lớn và nhiều trường dùng kết quả để xét tuyển nhất chính là kỳ thi của hai Đại học Quốc gia và Bách khoa Hà Nội.
Nhiều điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, giai đoạn 2020-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung đề, chung đợt. Vì thế, kết quả thể hiện được chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, các trường cơ sở giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng được dữ liệu tin cậy này. Việc xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết hợp kết quả thi và kết quả học tập theo tỷ lệ 70 - 30.
Từ năm 2025, có nhiều sự thay đổi đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tất cả thí sinh gồm cả thí sinh tự do dự kiến đều có thể đăng ký trực tuyến.
>>>> Mách bạn: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 xu hướng chọn môn như thế nào?
Thí sinh thi 4 môn, trong đó Toán và Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc. 2 môn thi tự chọn nằm trong các môn học sinh theo học tại chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy sẽ có 36 tổ hợp môn để thí sinh lựa chọn.
Thay vì tỷ lệ 70-30 như các năm về trước, việc xét công nhận tốt nghiệp bằng sử dụng kết quả điểm thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học sẽ theo tỷ lệ 50-50. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp: kết hợp giữa kết quả thi và đánh giá quá trình.
Đặc biệt, đối với phòng thi, thí sinh sẽ được bố trí tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt các buổi thi của kỳ thi.
Nội dung thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức chủ yếu trong lớp 12. Cấu trúc đề thi định dạng mới tăng cường độ phân hóa để công tác tuyển sinh được diễn ra thuận lợi.
"Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở; thử nghiệm ngân hàng câu hỏi thi trên máy tính ngoài việc để phân tích và đánh giá câu hỏi thi thì điều này là một bước quan trọng để hoàn thiện quy trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thi trên máy tính", ông Chương nói và cho biết. Ngoài ra, để tăng tính bảo mật, đề thi dự kiến sẽ được Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện vận chuyển.
Ngoài ra, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng thêm điểm mới là sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng trong xét công nhận tốt nghiệp không quy đổi thành 10 điểm.
Giai đoạn 2025 – 2030, dự kiến kỳ thi sẽ giữ ổn định với phương thức thi trên gấy. Tiếp theo, từng bước thí điểm để kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính ở một số địa phương đủ điều kiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm sẽ sớm ban hành quy chế thi và hướng dẫn thi năm 2025. Trước khi đưa vào sử dụng các phần mềm chính thức sẽ thử nghiệm đăng ký thi trên quy mô rộng. Từ năm 2027, thực hiện xây dựng kế hoạch và các điều kiện để thí điểm phương thức thi trên máy.
Dự kiến vào tháng 11 tới đây, quy chế tuyển sinh Đại học 2025 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo, do Vụ Giáo dục Đại học chủ trì công bố chính thức.
Trường Cao Đẳng Y Dược TPHCM cập nhật