Năm 2025 là năm đầu tiên thi tổ chức kỳ thi THPT theo chương trình giáo dục mới. Nhiều trường Đại học dự kiến vẫn sử dụng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp do đủ mức phân hóa, đủ tin cậy.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông tồn tại nhiều hạn chế
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Vì vậy, các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Hiện tại, đã có một số trường dự kiến đưa ra phương thức tuyển sinh năm 2025. Đáng chú ý là phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông đang được nhiều trường giảm chỉ tiêu hoặc bỏ.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết, với phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nhà trường sẽ tiến hành giảm 15 - 20% tổng chỉ tiêu. So với năm 2024 giảm 10%.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ: “Việc giảm hoặc bỏ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông là xu hướng một số trường Đại học đã áp dụng trong thời gian gần đây. Điều này xuất phát từ những băn khoăn về tính khách quan và công bằng của phương thức xét tuyển này”.
Ông cho biết phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông có những ưu điểm là đánh giá quá trình học tập lâu dài của thí sinh. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Do sự khác biệt trong cách đánh giá của mỗi trường hoặc mỗi khu vực nên điểm học bạ của các trường trung học phổ thông có thể không hoàn toàn đồng nhất. Từ đó, trong đánh giá năng lực thực sự của các thí sinh gây ra sự mất công bằng.
“Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông giúp Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tránh sự phụ thuộc quá mức vào kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông, đồng thời tạo cơ hội cho các phương thức xét tuyển khác mang tính chuẩn hóa cao như điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”, ông nói thêm.
Nhiều năm nay, để tuyển sinh Đại học, Đại học Bách Khoa Hà Nội không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông.
Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải cho biết, 3 phương thức nhà trường vẫn giữ ổn định bao gồm: Phương thức xét tuyển tài năng (khoảng 20%); Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (khoảng 30%); Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (khoảng 50%).
Với từng phương thức, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đưa ra tỷ lệ phù hợp khi căn cứ vào lượng thí sinh đăng ký mỗi năm.
Ông cũng cho biết, do năm 2025 này kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường vẫn đang cân nhắc điều chỉnh phương án tuyển sinh theo hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là trường thuộc khối ngành Sức khỏe, những năm gần đây trường cũng không đã không còn sử dụng phương thức này để xét tuyển.
Xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông có nhiều ưu điểm
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến trong năm 2025 tới đây vẫn dành 50% - 60% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thầy Sơn cho biết với phương thức này sẽ đảm bảo được tính công bằng, khách quan trong quá trình tuyển sinh.
"Điểm tốt nghiệp trung học phổ thông là kết quả của kỳ thi cấp quốc gia, có sự giám sát và tổ chức chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang tính khách quan cao và được áp dụng đồng bộ trên cả nước”, ông nói.
Hơn nữa, khi sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giúp trường tuyển sinh được những thí sinh có năng lực thực sự trong các môn học cơ bản. Từ đó, các em sẽ đảm bảo được nền kiến thức cơ bản khi theo học chương trình của nhà trường.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể phản ánh được khả năng tiếp thu kiến thức và khả năng tư duy của thí sinh. Điều này rất quan trọng đối với các ngành học ở hệ Đại học, Cao đẳng. Ngoài ra, sẽ tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh ở địa phương khi duy trì tỷ lệ lớn cho phương thức xét tuyển này.
“Nhà trường mong muốn mang đến cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả thí sinh trên cả nước, bất kể khác biệt về vùng miền hay điều kiện học tập”, thầy Sơn khẳng định thêm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải khi nói về phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng nhận định nhiều ưu điểm.
"Theo tôi, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn đang đầy đủ các yếu tố về mức độ tin cậy cũng như khả năng phân hóa để Đại học Bách khoa Hà Nội sử dụng xét tuyển cho công tác tuyển sinh. Minh chứng là phương thức xét tuyển này chiếm tỷ lệ lớn nhất, Đại học Bách khoa Hà Nội lấy số lượng lên tới 50% chỉ tiêu”, ông khẳng định.
Đặc biệt, với phương thức này theo ông có độ bao phủ được phần lớn các thí sinh vì hầu hết học sinh đều tham gia kì thi này. Các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, A-Level, AP và IB không phải thí sinh nào cũng đủ điều kiện dự thi để lấy. Vì thế, các trường Đại học cũng mong muốn mọi thí sinh có cơ cội như nhau để xét tuyển.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Đức Thuận cho biết nhà trường cũng dự kiến dành chỉ tiêu hạn chế cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đặc biệt không áp dụng phương thức này cho ngành Y khoa. Xét tuyển căn cứ vào kết quả điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường vẫn ưu tiên dành chỉ tiêu nhiều hơn.
Thầy Thuận cho biết ngành Y là ngành học liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Vì thế, việc tuyển chọn đầu vào cần thật sự khắt khe. Nhà trường mong muốn tuyển sinh được những sinh viên đủ năng lực, phẩm chất để theo học. Cho nên, điểm thi tốt nghiệp THPT là căn cứ tin cậy để nhà trường sử dụng để xét tuyển.
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp theo đánh giá của nhiều trường vẫn đảm bảo độ tin cậy, tạo cơ hội công bằng cho thí sinh từ mọi khu vực và điều kiện học tập khác nhau. Vì vậy, năm 2025, nhiều trường Đại học vẫn sử dụng phương thức này để xét tuyển.