Theo dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ siết xét tuyển sớm còn 20% chỉ tiêu để đảm bảo công bằng. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng việc này thiếu căn cứ, thay vì siết đầu vào hãy siết đầu ra.
Vẫn không tạo sự công bằng nhờ siết xét tuyển sớm
Điểm mới trong dự thảo năm nay đang thu hút nhiều ý kiến từ dư luận chính là siết chặt xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ về xét tuyển sớm. Theo Bộ, xét tuyển sớm là các đợt xét tuyển diễn ra trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Ở đợt chung, với 80% chỉ tiêu còn lại, các trường vẫn được sử dụng đa dạng phương thức (học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế...). Trong đó, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt xét tuyển chung. Đặc biệt Đại học phải quy đổi tất cả về chung một thang điểm nếu dùng nhiều phương thức.
>>>> Xem ngay: Bộ Giáo dục dự kiến bỏ điểm sàn thi tốt nghiệp với ngành Y, Sư phạm
Bộ cho rằng với việc làm này sẽ tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh và điều tiết được tuyển sinh Đại học. Thế nhưng, nhiều chuyên gia lại không đồng tình.
Nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, PGS.TS Lê Hữu Lập cho rằng thông qua kỳ thi tuyển sinh chung là các thí sinh được đánh giá, lựa chọn trên một chuẩn chất lượng.
Ở Việt Nam, mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là xét tốt nghiệp. Theo đó, để chọn người tài vào học Đại học thì mức độ không khó và không đủ độ phân hóa. Trong chấm điểm cũng sẽ có sự chênh lệch giữa địa phương, nhà trường với điểm học bạ.
Vì thế, các trường top đầu thường có xu hướng tổ chức hoặc sử dụng điểm thi của các kỳ thi sớm như Đánh giá năng lực, tư duy hay chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT... Nhiều năm trở lại đây, các trường sử dụng chỉ tiêu của các kỳ thi này khá nhiều nên chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp ngày càng giảm. Điều này, theo Bộ cho rằng tạo ra sự bất công bằng vì không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để học, thi các kỳ thi riêng hay lấy chứng chỉ quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Lập nếu như khống chế không được vượt quá 20% đối với xét tuyển sớm thì không giúp việc tuyển sinh trở nên công bằng hơn.
Theo ông phân tích nếu áp dụng việc này thì ưu điểm lớn nhất chỉ là tập trung tuyển những thí sinh thực sự nổi trội trước. Thế nhưng việc xét sớm hay muộn (trước hay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT) đều không ảnh hưởng tới các trường tuyển bằng nhiều phương thức.
Sau khi dành 20% chỉ tiêu của xét tuyển sớm thì các trường vẫn sử dụng tiếp các phương thức trên ở kỳ xét tuyển chung. Từ đó có thể thấy độ ảo tăng lên, thí sinh phải chờ đợi, quá trình tuyển sinh trở nên rắc rối.
Theo đúng lý thuyết thì các trường vẫn có thể dành chỉ tiêu cho những phương thức khác, được phép giảm mạnh hoặc không dùng đến kết quả thi tốt nghiệp ở đợt xét tuyển chung.
"Như vậy, bài toán bất công bằng cho những thí sinh ở khu vực khó khăn, không có điều kiện học và thi các kỳ thi riêng và chứng chỉ quốc tế, vẫn không được giải quyết", ông Lập nói.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Hoàng Ngọc Vinh cũng rất đồng tình với ông Lập. Ông cho rằng, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ có ý nghĩa kiểm soát hành chính. Không có căn cứ nào chứng minh cho việc tạo công bằng cho thí sinh và các trường nhờ việc giới hạn này.
Theo ông, tất cả thí sinh có cơ hội như nhau khi tiếp cận các kỳ thi, phương thức xét tuyển mới gọi là công bằng. Nếu như thế thì cách này không những không mang lại công bằng mà đang tạo nên sự bất bình đẳng không đáng có.
Ông đặt ví dụ nếu như ở đợt tuyển sinh chung, các trường vẫn dùng hết 80% chỉ tiêu cho chứng chỉ ngoại ngữ hay điểm thi đánh giá năng lực thì việc giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh sớm đâu còn ý nghĩa gì. Các thí sinh vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn và không có cơ hội để tiếp cận các kỳ thi này.
"Con số 20% rất phiến diện, chủ quan, ảnh hưởng quyền tự chủ của các trường. Cơ quan quản lý nên đóng vai trò là 'bà đỡ' đưa ra giải pháp, điều chỉnh phù hợp, không nên áp đặt cơ học", ông nói.
Trên một trang báo chính thống cũng ghi nhận khảo sát ở 16.000 người tham gia. Trong đó, hơn 70% cho rằng hạn chế lựa chọn của thí sinh và quyền tự chủ của các trường khi siết chặt tuyển sinh sớm.
Bất khả thi trong quy đổi điểm các kỳ thi về chung thang điểm
Ngoài vấn đề siết chỉ tiêu tuyển sinh sớm thì TS Vinh còn nói thêm về việc quy đổi điểm các kỳ thi về chung một thang điểm. Ông cho rằng việc này cũng bất khả thi.
Bản chất của các kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực hay học bạ đã là khác nhau. Thế nên, đòi hỏi phải có dữ liệu về phân phối chuẩn của từng kỳ thi trong 3-5 năm với mẫu phân tích lớn cùng hàng loạt kỹ thuật so sánh, khảo thí phức tạp thì mới có thể thực hiện quy đổi tương đương.
"Với hơn 100 tổ hợp xét tuyển và hàng loạt phương thức, việc xây dựng hệ quy đổi đòi hỏi dữ liệu khổng lồ và nghiên cứu sâu rộng, điều mà hiện chưa được thực hiện. Quy đổi không chính xác sẽ gây bất công và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào", ông nói.
Ông nhận định việc quy đổi về cùng thang điểm cho hai kỳ thi này thật sự không hợp lý. Đơn cử như kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức và thi tốt nghiệp THPT. 2 kỳ thi đã quá khác biệt về nội dung thi và cả số lượng môn.
Giải pháp cho siết chặt tuyển sinh sớm
"Thay vì kiểm soát chỉ tiêu, đưa ra giới hạn cơ học cho xét tuyển sớm, Bộ có thể điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật ở từng phương thức để đảm bảo công bằng", ông Vinh nói.
Cụ thể ông dẫn chứng thêm thời gian qua do có sự chênh lệch trong đánh giá giữa các địa phương, nhà trường nên xét tuyển học bạ mới không đáng tin cậy. Để đảm bảo như nhau thì Bộ có thể tăng kiểm soát hoặc mỗi năm có 1-2 đợt thi đề chung cả nước.
>>>> Đề xuất điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy về Bộ Giáo dục
Ông Lê Hữu Lập ý kiến thêm nếu vẫn muốn chỉ tiêu được siết chặt thì Bộ có thể khống chế chỉ tiêu xét theo kết quả thi tốt nghiệp cho các trường, có thể ít nhất 20-30%. Cơ hội vào Đại học của các em giỏi ở vùng khó khăn là rất khó nếu để chỉ tiêu này ít, lúc này điểm chuẩn sẽ bị đẩy cao lên.
Ví dụ cho việc này là nếu như có 60 chỉ tiêu cho một ngành và xét bằng điểm thi tốt nghiệp chỉ dành 5% tức ba thí sinh. Như vậy, thí sinh đạt 28 điểm vẫn có thể rơi vào nguy cơ trượt. Trong đó có những em đạt mức điểm này tham gia kỳ thi tốt nghiệp cũng rất xuất sắc.
Việc này cũng khó có thể đạt tuyệt đối bởi trong việc xét kết quả học bạ chất lượng có thể phản ánh không dúng do không có chuẩn chung nào. Bên cạnh đó, khi các trường được quyền tự chủ thì vẫn phải dùng khi tuyển sinh khó khăn.
Ông gợi ý thêm về việc tạo sự công bằng qua một số quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc. Mô hình của họ là cả nước có một kỳ thi chung để chọn người giỏi vào Đại học. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các trường nếu để các trường chủ động. Thay vào đó là tạo ra hành lang pháp lý phù hợp nhất.
Chuyên gia nghiên cứu về giáo dục Đại học tại Đại học Quốc gia Australia, TS Nghĩa Trần cũng đồng tình với việc Bộ không nên can thiệp quá sâu trong việc xét tuyển đầu vào. Các trường nên được tự chủ và có trách nhiệm giải trình. Khi tuyển sinh được chất lượng đầu vào, họ sẽ tự chủ phát triển trường, không vất vả. Nếu tuyển sinh chất lượng kém thì họ là người gánh chịu chính. Điều này là điều không ai muốn.
"Và đó cũng là cách giúp học sinh và phụ huynh cải thiện cách hoạch định tương lai và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao dân trí", ông nói.
Siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sớm vẫn là vấn đề còn để lại nhiều băn khoăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm đưa ra quy chế tuyển sinh Đại học năm 2025 chính thức.
Cao Đẳng Y Dược TPHCM cập nhật