Ngày 22/11 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học năm 2025. Theo đó, Bộ dự kiến siết chặt xét tuyển học bạ và tuyển sinh sớm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết chặt xét tuyển học bạ và tuyển sinh sớm
Theo dự thảo mới được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các trường Đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm. Phải dùng điểm cả năm lớp 12, bắt buộc có Toán hoặc Văn đối với xét học bạ.
>>>> Xem ngay: Bỏ cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT 2025 để tạo công bằng
Để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, các trường sử dụng phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, năm nay, Bộ đề xuất chỉ tiêu cho xét tuyển sớm không được vượt quá 20%. Thêm vào đó, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ.
Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung. So với những năm trước, các trường không thể sử dụng đồng thời thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Về phương thức tuyển sinh, các trường được tự chủ trong quyết định thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Tuy nhiên cần nêu rõ được tiêu chí đánh giá, điều kiện trúng tuyển ở mỗi phương thức xét tuyển.
Đối với xét học bạ, Bộ yêu cầu phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn đối với một ngành. Từ đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Có thể thấy, với quy định này thì tổ hợp xét tuyển không bị giới hạn nhưng về trọng số điểm của các môn sẽ bị ràng buộc.
Cũng với xét học bạ, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Nếu đúng quy định được thực hiện thì từ tháng 3, các trường Đại học học không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn như hiện nay.
Trước khi dự thảo được công bố, nhiều lãnh đạo Bộ và chuyên gia cho rằng học sinh sẽ bị lơ là học tập, ảnh hưởng tới mục tiêu chung của giáo dục phổ thông trong giai đoạn cuối cấp THPT khi bỏ xét điểm học kỳ II của lớp 12. Điều này không chỉ trực tiếp tác động khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ít lại mà còn góp phần đẩy điểm chuẩn lên rất cao. Từ đó, tạo ra sự mất công bằng giữa các thí sinh.
>>>> Cập nhật cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm 2025
Ngoài ra, từ năm 2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến nâng ngưỡng đầu vào các ngành sư phạm, ngành Y.
Theo đó, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo quy định: “Kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này”.
Đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.
Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố quy chế tuyển sinh Đại học năm 2025 vào khoảng tháng 1 năm 2025.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật