Môn Ngữ văn giữ vai trò quan trọng trong xét tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học. Để giúp học sinh có định hướng ôn tập và làm bài hiệu quả, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn đã đưa ra một số lưu ý quan trọng liên quan đến cấu trúc đề thi và cách triển khai bài làm năm 2025 dành cho các sĩ tử.
Gợi ý làm bài thi tốt nghiệp THPT 2025 từ Chủ biên chương trình môn Ngữ văn
Chỉ còn khoảng một tháng nữa, học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo hướng đánh giá năng lực người học dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết, đây là một trong hai môn thi bắt buộc với nhiều thay đổi đáng chú ý trong yêu cầu đề thi, đặc biệt là việc không còn sử dụng lại văn bản ngữ liệu có sẵn trong sách giáo khoa.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chính thức yêu cầu, cấu trúc và định dạng đề thi giúp học sinh có cơ sở để luyện tập và làm quen thông qua các đề tham khảo.
Từ góc độ chuyên môn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã nêu một số điểm quan trọng mà thí sinh cần lưu ý để làm bài thi môn Ngữ văn đạt kết quả tốt nhất.
>>>> Cách chuyển đổi điểm HSA sang thang điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT
Đọc lướt toàn bộ đề
Ngay khi nhận được đề thi môn Ngữ văn, thí sinh cần giữ bình tĩnh, nhanh chóng đọc lướt toàn bộ nội dung đề, bao gồm cả hai phần: đọc hiểu và làm văn. Việc này giúp các em nắm được bức tranh tổng thể về yêu cầu của đề bài, đồng thời nhận diện được mối liên hệ giữa các phần và từng câu hỏi để xây dựng chiến lược làm bài hợp lý.
Làm phần đọc hiểu trước
Thí sinh chỉ nên dành khoảng 30-40 phút đầu tiên để hoàn thành phần đọc hiểu. Cần đọc kỹ và chậm rãi văn bản ngữ liệu, sau đó lần lượt trả lời từng câu hỏi trong đề. Câu trả lời cần ngắn gọn, chính xác và tập trung vào trọng điểm. Chẳng hạn, nếu đề yêu cầu xác định biện pháp tu từ trong đoạn trích, thí sinh chỉ cần nêu tên biện pháp, không cần giải thích hay phân tích đặc điểm và tác dụng. Tuy nhiên, nếu đề bài yêu cầu lý giải, thí sinh bắt buộc phải đưa ra phần phân tích phù hợp. Đối với các câu hỏi ở mức độ hiểu (như câu 3, 4) và vận dụng (câu 5) cũng không nên viết lan man mà cần trình bày súc tích, nhấn mạnh vào những ý chính.
Phân bổ thời gian cho các phần Viết
Việc học sinh lựa chọn viết đoạn văn hay bài văn trước đều phù hợp, tuy nhiên cần lưu tâm đến mối liên hệ giữa yêu cầu của phần viết và nội dung ở phần đọc hiểu. Trong trường hợp câu hỏi viết có nội dung liên quan đến văn bản đã cho trong phần đọc hiểu, thí sinh nên ưu tiên xử lý phần này trước để đảm bảo sự liền mạch và hợp lý trong bài làm.
Đối với phần viết đoạn văn, thí sinh cần tập trung triển khai một ý lớn duy nhất, ý này thường được nêu rõ ngay trong đề bài. Cần trình bày ý chính đó ở câu đầu tiên của đoạn văn, sau đó các câu tiếp theo chỉ nên làm nhiệm vụ phát triển, làm sáng tỏ cho ý đã nêu, tuyệt đối không được mở rộng sang những luận điểm khác. Trong trường hợp đoạn văn chưa đủ 200 chữ nhưng đã diễn đạt rõ ràng và đầy đủ nội dung trọng tâm thì có thể dừng lại. Thời lượng hợp lý dành cho phần viết đoạn văn là khoảng 30 phút.
60 phút còn là là thời gian để thí sinh tập trung viết. Do thời gian không nhiều nên đề văn cũng không thể yêu cầu học sinh viết nhiều. Đề thường nêu ngữ liệu không dài, không quá khó.
“Về dung lượng, đề nêu giới hạn viết đoạn văn ‘khoảng 200 chữ’ tức là có thể viết trên dưới số lượng chữ quy định, không nhất thiết phải viết đúng số chữ ấy. Ví dụ đoạn có thể 250 chữ hoặc 180 chữ; bài có thể 700 chữ hoặc 500 chữ... Tuy nhiên học sinh không nên quá say sưa với 1 câu mà làm câu khác sơ sài do thiếu thời gian”, ông Thống nói.
Chú ý hình thức trình bày bài thi
>>>> Cập nhật: Học sinh không đỗ tốt nghiệp vẫn được xác nhận hoàn thành chương trình THPT
Theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh không chỉ cần chú trọng đến nội dung kiến thức mà còn phải đặc biệt lưu ý đến hình thức trình bày bài viết. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý rằng, bài làm có thể bị trừ điểm nếu mắc phải nhiều lỗi về hình thức như: chữ viết cẩu thả (viết sai, thiếu nét), lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp; sử dụng từ ngữ không chính xác, diễn đạt thiếu rõ ràng, rườm rà hoặc có nội dung mâu thuẫn. Đây là những yếu tố kỹ thuật tuy nhỏ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bài thi.
Thể hiện trung thực và sáng tạo bài viết nghị luận
Bài văn nghị luận là nơi người viết thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ cũng như vốn hiểu biết, quan điểm, cảm xúc và cách nhìn nhận cá nhân trước một vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, đời sống hoặc xã hội. Do đó, học sinh cần trình bày một cách chân thật những suy nghĩ và cảm nhận của mình. Hiểu gì, cảm thế nào thì cứ mạnh dạn thể hiện đúng như vậy. Đặc biệt, khuyến khích bày tỏ những quan điểm mới mẻ, độc lập thay vì sao chép, vay mượn hay lặp lại ý kiến của người khác.
Tuy nhiên, dù là ý tưởng cá nhân, học sinh vẫn phải diễn đạt theo một trình tự mạch lạc, rõ ràng, có lý lẽ thuyết phục để tạo sức nặng cho lập luận. Một bài văn hay không chỉ dừng lại ở nội dung sâu sắc mà còn đòi hỏi cách diễn đạt sáng rõ, sinh động, ngôn từ chọn lọc, câu văn có hình ảnh và giàu cảm xúc.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định rằng, dù học sinh lớp 12 năm nay dự thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, các em vẫn có thể vận dụng những lưu ý này để nâng cao hiệu quả bài làm.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp