Vấn đề dạy thêm, học thêm đang là một trong những băn khoăn của ngành Giáo dục. Theo các nhà giáo dục đề xuất quản lý việc dạy thêm bằng cách coi dạy thêm thành ngành kinh doanh, phải báo cáo chương trình, thời lượng để đảm bảo không trùng với chính khóa.
Đề xuất giải pháp quản lý việc dạy thêm
Đối với việc dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia, đại biểu quốc hội cho rằng việc là chính đáng và là nhu cầu cần thiết. Vì vậy, thay vì cấm đoán hãy tìm cách quản lý sao cho việc làm này trở nên có lợi. Bên cạnh đó, ngăn chặn hành vi ép học thêm của một số giáo viên.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất để quản lý dạy thêm có thể xây dựng một hệ thống trực tuyến, quy mô cả nước.
Trên hệ thống trực tuyến này, giáo viên có thể thực hiện đăng ký chương trình dạy, tiến trình bài giảng cho việc dạy thêm. Điều này giúp thầy cô tránh được việc dạy trùng lặp với chương trình chính khóa. Ngoài ra, hệ thống sẽ có những gợi ý phù về nội dung và định hướng nghề nghiệp cho từng em thông qua phân tích dữ liệu của học sinh.
"Việc học thêm nếu đúng cách có thể khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác thông qua các phương pháp dạy học thực tế và trải nghiệm", ông Nam nói.
Nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hoàng Chương đề xuất có thể giám sát thường xuyên và sâu sát hơn với việc dạy thêm. Thông qua việc này, về lịch học, thời gian, học phí, cơ sở vật chất, cũng như những bất cập, phản ánh của người học, các nhà chức trách sẽ nắm rõ và kịp thời xử lý.
Còn để xa hơn thì ông mong rằng đối với mỗi cấp học sẽ có được những quy định riêng về dạy thêm, học thêm bởi mỗi cấp sẽ có mức độ học khác nhau. Đặc biệt là các em lớp 9 và lớp 12 trong giai đoạn chuyển cấp để địa phương dễ quản lý hơn. Chẳng hạn, ở mỗi cấp học có quy định cụ thể về số tiết giáo viên được dạy, cũng như thời gian tối đa học sinh được học thêm ở ngoài trường.
Thạc sĩ Phùng Thị Thu Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giải pháp là đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các đơn vị phải được cấp phép, đáp ứng các quy định của pháp luật khi nằm trong danh mục này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua cũng nhiều lần kiến nghị điều này với mục đích để dạy thêm và học thêm không bị biến tướng. Các nhà chức trách sẽ thuận tiện trong việc quản lý để thầy và trò được đảm bảo trong công tác dạy thêm, học thêm.
Một số nước trên thế giới thực hiện tốt việc dạy thêm
Ở nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng cách làm với những đề xuất được nên trên.
Theo Global Industry Analysts, dạy thêm đang được coi là một ngành công nghiệp khổng lồ. Vào năm 2020, ngành này đạt doanh thu 196,3 tỷ USD. Một số nước có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây được coi là ngành kinh doanh, phải đóng thuế và tuân theo quy định của nhà nước.
Tại Nhật Bản, các trung tâm dạy thêm được gọi là "juku", phải đăng ký và đóng thuế thu nhập. Theo Statista, năm 2023, số học sinh đi học thêm lên tới 14 triệu em, chiếm 11% dân số cả nước. Số cơ sở kinh doanh lên tới 6.000. Đội ngũ giáo viên ở trường học và các trung tâm luyện thi độc lập với nhau, không được làm việc lẫn lộn. Thực hiện sa thải giáo viên ngay nếu bị phát hiện.
Hàn Quốc gọi các trung tâm dạy thêm là "hagwon". Năm ngoái, theo dữ liệu từ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy 78,5% học sinh học thêm.
Từ năm 2008, theo Korea JoongAng Daily, với mục đích giảm chi phí giáo dục và đảm bảo học sinh ngủ đủ giấc, Hàn Quốc hạn chế các trường luyện thi hoạt động sau 0h. Các cơ sở sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép nếu vượt quá. Đặc biệt, từ năm 2023 trong đề thi đại học sẽ không có những câu hỏi mang tính đánh đố. Các câu hỏi này trước đây chiếm điểm nhiều trong đề và đánh giá học sinh bằng kiến thức không được dạy trên trường.
Với việc này, giới chức hy vọng góp phần tạo bình đẳng giữa các nhóm học sinh, nhất là những em không có điều kiện học thêm, đồng thời giảm áp lực với việc học ngoài nhà trường.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thiết yếu của cả thầy và trò. Tìm được giải pháp phù hợp sẽ giúp ngành phát triển và đi đúng định hướng.