Vừa qua, một số trường Đại học đã công bố xét tuyển ngành Y, Sư phạm với sự xuất hiện tổ hợp “lạ”. Bộ Giáo dục đã yêu cầu rà soát lại vấn đề này.
Bộ GD yêu cầu rà soát các tổ hợp “lạ” xét tuyển Đại học ngành Y, Sư phạm
Vào ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã cho biết, hiện có một số trường Đại học sử dụng các tổ hợp xét tuyển không phổ biến cho các ngành như Sư phạm, Y khoa và Ngôn ngữ. Ông nhấn mạnh rằng, dù các cơ sở đào tạo được quyền tự chủ trong tuyển sinh, Bộ vẫn sẽ tiến hành kiểm tra và có hướng dẫn, nhắc nhở dựa trên các quy định hiện hành nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào.
"Nếu một phương thức, một tổ hợp mà không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi của người học cho ngành đấy thì các trường phải xem lại", ông Sơn nói.
>>>> Xem ngay: Bộ GD&ĐT giải thích về cách quy đổi điểm xét tuyển Đại học 2025
Trước đó, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã công bố phương án tuyển sinh cho các ngành như Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm, Điều dưỡng và Y tế công cộng với nhiều tổ hợp xét tuyển đa dạng. Trong các tổ hợp này, môn Toán được xem là bắt buộc. Môn thứ hai được lựa chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học. Môn còn lại là môn có điểm thi cao nhất của thí sinh trong các môn: Sinh, Hóa, Lý, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Tin học hoặc Công nghệ. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp Toán, Lý, Công nghệ hoặc Toán, Lý, Văn – những tổ hợp vốn không phổ biến đối với khối ngành Y.
Đối với nhóm ngành Sư phạm, Trường Đại học Đồng Tháp đã tuyển sinh ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Hóa học bằng tổ hợp D01 cùng với một số tổ hợp khác, tuy nhiên lại không bao gồm các môn Vật lý hoặc Hóa học – là hai môn chuyên ngành.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại nhiều trường Đại học khác như Phan Châu Trinh (Quảng Nam), Đại học Khánh Hòa, Đại học Thủ đô Hà Nội, và Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc tuyển sinh mà bỏ qua các môn học cốt lõi, gắn liền trực tiếp với chuyên ngành là điều “đáng lo ngại”, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cách tuyển sinh như vậy phản ánh việc một số trường vẫn chưa nắm rõ những điểm mới và khác biệt trong kỳ tuyển sinh Đại học năm nay so với các năm trước.
Trước đây, khi học sinh học theo chương trình giáo dục năm 2006, tất cả các môn học đều là bắt buộc. Thứ trưởng lấy ví dụ với khối ngành Sức khỏe: dù tổ hợp xét tuyển không bao gồm môn Sinh học, thì học sinh vẫn có nền tảng kiến thức về môn này do đã được học đầy đủ trong chương trình phổ thông.
>>>> Xem ngay: Môn tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có 48 mã đề
Tuy nhiên, năm 2025 đánh dấu lần đầu tiên học sinh tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ở bậc THPT, học sinh chỉ học bốn môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ 1, các môn còn lại do các em tự chọn. Do đó, nếu một trường Đại học tuyển sinh ngành Y nhưng không đưa môn Sinh vào tổ hợp xét tuyển, rất có thể xảy ra trường hợp thí sinh chưa từng học môn này vẫn đủ điều kiện trúng tuyển.
"Tất nhiên cũng phải nói em nào không học Sinh mà tự tin thi Y thì phải xem lại. Nhưng cũng có thể do các em không đủ thông tin, vẫn đăng ký và trúng tuyển", ông Sơn nói.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học được phép sử dụng không giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển. Tuy vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh rằng mỗi ngành đào tạo và tổ hợp xét tuyển phải đảm bảo những nguyên tắc cốt lõi như: đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực đầu vào và có khả năng phân loại thí sinh. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này, các cơ sở đào tạo cần nghiêm túc xem xét và điều chỉnh lại phương án tuyển sinh.
Để khắc phục vấn đề, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề xuất các trường có thể bổ sung một số yêu cầu về ngưỡng đầu vào. Ví dụ, đối với ngành Y tuyển sinh bằng tổ hợp Toán, Hóa và Tiếng Anh, các trường nên yêu cầu thí sinh đã học môn Sinh ở cấp phổ thông và thiết lập mức điểm sàn học bạ cho môn này.
"Hoàn toàn có giải pháp cho việc này, để em nào đã chọn thì phải có kiến thức nền về môn cần học trong chương trình. Môn này có thể không trực tiếp nằm trong tổ hợp xét tuyển, nhưng học sinh vẫn phải có kiến thức nhất định", ông Sơn nhìn nhận.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được tổ chức vào hai ngày 26-27/6. Các thí sinh học theo chương trình phổ thông hiện hành (2018) sẽ phải làm bốn bài thi, trong đó Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc. Ngoài ra, các em sẽ chọn thêm hai môn học đã được giảng dạy tại trường, có thể là Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ hoặc Ngoại ngữ.
Từ ngày 16/7 đến 28/7, thí sinh sẽ thực hiện việc đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển Đại học, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trước 17h ngày 5/8. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường Đại học sẽ tiến hành xử lý nguyện vọng (lọc ảo), hoàn thành trước 17h ngày 20/8.
Nếu trúng tuyển, thí sinh cần xác nhận nhập học qua hệ thống chung của Bộ, muộn nhất là 17h30 ngày 30/8.
Cao Đẳng Y Dược TPHCM tổng hợp