Ưu tiên phát triển con người, phổ cập kiến thức chuyển đổi số, phát triển nhà giáo cả về lượng và chất là những vấn đề trong ngành Giáo dục được Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở để thực hiện.
Tổng Bí thư gợi mở ngành Giáo dục với những vấn đề cần làm ngay
Tại buổi gặp mặt 3.000 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì diễn ra vào sáng ngày 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Vì vậy, ở lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự ưu tiên nhất định.
Đứng trước bối cảnh có nhiều thay đổi, mô hình kinh tế biến chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, cạnh tranh thúc đẩy giáo dục trở thành xu thế toàn cầu. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy. Vì vậy, Tổng Bí thư đã gợi mở ra ba vấn đề cho toàn ngành.
>>>> Xem ngay: Bộ trưởng Giáo dục: Mong các thầy cô tiếp tục tự học, vượt qua giới hạn bản thân
Thứ nhất, theo Tổng Bí thư, mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được, đó là "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng".
Ông cho rằng mục tiêu này thực sự còn nhiều thử thách và khó khăn. Thế nhưng, ông cũng tin rằng khi có mục tiêu, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo cùng phong trào bình dân học vụ chắc chắn ngành Giáo dục sẽ thành công.
Cũng theo Tổng Bí thư, để thực hiện được mục tiêu thì ưu tiên hàng đầu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cần được chú trọng. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng. Quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc.
"Phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam trong ba nước đứng đầu ASEAN về số lượng công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học vào top 100 trường hàng đầu thế giới", Tổng Bí thư chỉ đạo.
Thứ hai, ngành Giáo dục cần làm ngay chính là giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ; phát động phong trào "bình dân học vụ số" để thực hiện phổ cập kiến thức chuyển đổi số toàn dân; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp ở một số thành phố lớn; bảo đảm chi ngân sách tối thiểu 20% cho giáo dục; có cơ chế thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển giáo dục.
Thứ ba, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài. Họ đều những nhân tố quan trọng của ngành. Vì vậy, phải là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo. Để từ đó, họ trở thành những tấm gương giúp học sinh, sinh viên học tập, noi theo.
"Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo", ông nói.
Ông rất ghi nhận những gì mà ngành Giáo dục đã làm trong thời gian vừa qua. Điển hình có thể nhắc đến như: Hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) đều có chuyển biến tốt, công bố khoa học quốc tế tăng mạnh...
Thế nhưng, cũng có những vấn đề mà ngành chưa thực sự làm được. Hiện nay, chuyển biến về chất lượng trong ngành chưa đáp ứng được như kỳ vọng mặc dù đổi mới giáo dục đã được diễn ra hàng chục năm nay.
Nhân lực đang là “điểm tắc” cần nhắc đến của ngành. Hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp trong ngành nhưng vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp, gây lãng phí lớn. Đội ngũ giáo viên nhiều nơi còn thiếu và còn chưa đặt đúng chuyên môn.
Chất lượng giáo dục các cấp còn nặng về lý thuyết, ít được được thực hành. Ở thành phố lớn vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.
Cũng trong buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng thách thức mà giáo dục nước ta đang phải đối diện là rất lớn. Ngành đang phải đối mới trong bối cảnh đầu tư còn hạn hẹp, thách thức từ bên trong, sự căng thẳng đến tự xã hội hay bạo lực trực tuyến…
>>>> Cập nhật cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm 2025
"Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao", ông nhận định.
Theo ông, cả nước hiện nay có khoảng 1,6 triệu giáo viên. Đổi mới giáo dục cốt lõi trước tiên là đổi mới con người. Các thầy cô cần nỗ lực vô cùng lớn, sáng tạo không ngừng, thay đổi thói quen, tư duy cũ để vượt qua giới hạn bản thân và bứt phá.
Thách thức của sự bùng nổ về tri thức, trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới cũng không khiến cho người làm giáo dục bị áp lực. Ông Sơn mong rằng thầy cô hãy vững tin, sẵn sàng đối mặt, không sợ hãi để đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục. Hãy dùng bản lĩnh của người thầy để đón nhận và tranh thủ lợi thế, phát triển nhanh hơn.
Trước muôn vàn biến động và thách thức ấy, thực hiện theo gợi mở của Tổng Bí thư, Bộ trưởng mong giáo viên hãy luôn củng cố giá trị cốt lõi của nhà giáo. Đó chính là tình yêu với nghề, lòng thiện lương cùng rèn luyện kỹ năng mới theo thời đại.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp