Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn duy trì số lượng 24 thí sinh mỗi phòng. Mỗi phòng thi có thể diễn ra tối đa 5 môn, trong khi số lượng mã đề thi sẽ tăng từ 24 lên 48 nhằm tăng cường tính bảo mật.
Môn tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có 48 mã đề
Chiều ngày 28/3, trong khuôn khổ Hội nghị về tuyển sinh đầu cấp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá việc thực hiện Thông tư số 29, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – đã chia sẻ thông tin và nhấn mạnh một số điểm mới liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
>>>> Cập nhật lịch trình chi tiết xét tuyển Đại học 2025
Ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh rằng đề thi năm nay sẽ tiếp tục bám sát chương trình Giáo dục Phổ thông hiện hành ở bậc THPT, trong đó trọng tâm là kiến thức lớp 12.
“Đề thi không nằm ngoài chương trình, cấp độ tư duy là 40% ở mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Ngoài ra, đề thi cũng tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Với những điểm mới này, thầy cô cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học một cách chủ động”, ông Hà nói.
Ông Hà chia sẻ rằng, một thay đổi quan trọng trong quy trình xét tốt nghiệp THPT năm nay là tỷ lệ điểm thi chỉ chiếm 50%, trong khi 50% còn lại được tính từ kết quả học tập của cả ba năm THPT. Điều chỉnh này hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 nhằm đề cao việc đánh giá toàn diện, khuyến khích sự phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh trong suốt quá trình học tập.
Liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, năm nay kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 buổi. Đặc biệt, ở buổi thi thứ ba, thí sinh sẽ làm cả hai bài thi tự chọn nhưng theo hai khung giờ riêng biệt. Để tạo thuận lợi và đảm bảo sự ổn định, mỗi thí sinh sẽ được bố trí thi tại một phòng cố định trong suốt kỳ thi, không phải di chuyển giữa các buổi.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bố trí thí sinh thi cố định tại một phòng trong suốt kỳ thi, bất kể các môn lựa chọn của các em có khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc một môn tự chọn có thể được tổ chức thi ở cả hai khung giờ khác nhau để đảm bảo sự hợp lý trong sắp xếp. Ví dụ, tại phòng thi số 1, những thí sinh đăng ký môn Vật lý sẽ làm bài vào khung giờ đầu tiên, từ 7h35 đến 8h25. Trong khi đó, tại phòng thi số 2, cũng có thí sinh thi Vật lý nhưng sẽ thực hiện bài thi vào khung giờ thứ hai, từ 8h40 đến 9h30.
"Một môn thi có thể ở hai khung giờ khác nhau, và để đảm bảo yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề, Bộ GD-ĐT tăng lên thành 48 mã đề. Bộ yêu cầu phải thu bài theo phòng thi, không thu bài theo môn thi. Chúng tôi đã thử nghiệm, mô phỏng lên tới 5 môn thi khác nhau trong 1 phòng thi ở hai khung giờ và thấy vẫn xử lý được", ông Hà cho biết.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được tổ chức đồng thời cho hai nhóm thí sinh: nhóm học sinh theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2006 (dành cho những thí sinh chưa tốt nghiệp hoặc thi để xét tuyển Đại học) và nhóm học sinh theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018. Để đảm bảo quá trình thi diễn ra thuận lợi và không có sai sót, Bộ GD-ĐT đề xuất việc bố trí một số điểm thi riêng biệt cho thí sinh theo Chương trình 2006, nhằm phân biệt rõ ràng giữa hai nhóm và tổ chức thi một cách hợp lý.
>>>> Xem ngay: Bộ Giáo dục công bố dự kiến cách tính quy đổi điểm xét tuyển Đại học năm 2025
Bên cạnh đó, công tác in sao đề thi sẽ có sự điều chỉnh so với các năm trước, được thực hiện cụ thể theo số lượng môn thi tại từng phòng thi, nhằm đảm bảo tính chính xác và hợp lý.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện tại nhiều địa phương đã tổ chức kỳ thi thử, cơ bản diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên mô hình tổ chức thi vẫn có sự khác biệt so với kỳ thi chính thức như việc tổ chức nhiều hơn 3 buổi thi. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương cần điều chỉnh và tổ chức kỳ thi thử sao cho càng giống với kỳ thi thật càng tốt. Bộ cũng cam kết sẽ hỗ trợ các địa phương về phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến quy trình chấm thi, đảm bảo mọi quy định của Quy chế thi được tuân thủ nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Ngọc Hà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các kịch bản để ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong kỳ thi. Ông cũng đã tổng kết một số tình huống đã xảy ra trong các kỳ thi trước để chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý. Các tình huống có thể gặp phải bao gồm: lỗi in sao đề thi, chỉ phát hiện khi mở đề thi; thí sinh hoặc giáo viên ghi sai thông tin lên Phiếu trả lời trắc nghiệm hoặc Giấy làm bài thi; thời tiết xấu bất thường gây khó khăn trong việc di chuyển và đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi; tắc nghẽn giao thông; hay mất điện tại khu vực thi... Những kịch bản này được xây dựng để đảm bảo mọi tình huống đều được giải quyết kịp thời và đúng quy định.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới (2018) sẽ bao gồm bốn môn thi. Trong đó, môn Văn và Toán là bắt buộc, được tổ chức vào sáng và chiều ngày 26/6. Sáng ngày 27/6, thí sinh sẽ thi hai môn tự chọn, thuộc các môn học đã được giảng dạy tại trường, bao gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.
Kết quả của kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 16/7.
Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp