Sáng 17/11, tại "Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các thầy cô tiếp tục tự học, vượt qua giới hạn bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.
Bộ trưởng Giáo dục: Mong các thầy cô tiếp tục tự học, vượt qua giới hạn bản thân
Tại "Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự đóng góp của hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước, trong đó có gần 340 thầy cô được vinh danh.
>>>> Xem ngay: Tổng hợp các thông tin quan trọng kỳ thi Đánh giá năng lực 2025
Bộ trưởng nhận định rằng danh hiệu chính là sự ghi nhận, tôn vinh nhà giáo. Thêm nữa, đây cũng là động lực để thầy cô tiếp tục tự học, tỏa sáng, vượt qua giới hạn bản thân để phát huy sự ưu tú.
Ông cho rằng làm giáo dục đã là một việc làm khó. Thế nhưng, càng khó hơn nhiều lần khi đi theo đúng giáo dục chân chính, chất lượng và thu hút người học. Vì vậy, thầy cô thực sự đã tân tâm với nghề, vượt qua nhiều khó khăn vất vả mới có thể đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, ưu tú hay tiêu biểu.
Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định thêm, những giáo viên ưu tú và tâm huyết này chính là hạt nhân truyền cảm hứng tới không chỉ thế hệ học sinh mà còn cả tới những người đồng nghiệp bên cạnh mình.
Dẫn chứng từ câu nói "Gừng thêm cay cùng thời gian, thầy thêm giỏi cùng năm tháng" của người xưa, ông Sơn bày tỏ mong muốn giáo viên tiếp tục tự học, tự đổi mới, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình.
“Các danh hiệu là sự ghi nhận, tôn vinh cho cái đã qua, cho bề dày sự thể hiện và đóng góp của các nhà giáo, đồng thời cũng là những kỳ vọng, trông đợi các cô, các thầy tiếp tục tỏa sáng, tham gia góp sức vào sự nghiệp phát triển giáo dục", ông nói thêm.
Ngoài danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xét chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm". Điều này nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp tích cực và tạo nên những giá trị cho ngành. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Năm nay, Chủ tịch nước phong tặng 21 nhà giáo nhân dân, 1.167 nhà giáo ưu tú. Trong lễ vinh danh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa ủy quyền trao tặng danh hiệu này cho 21 nhà giáo nhân dân, 65 nhà giáo ưu tú từ các cơ quan trực thuộc Bộ. 251 được vinh danh nhà giáo tiêu biểu trong toàn quốc.
Bộ trưởng cho hay ngành Giáo dục sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng cấp mầm non đang là một trong những thách thức đó. Làm sao để huy động được trẻ đến lớp, phổ cập mầm non theo độ tuổi, cơ sở vật chất, đảm bảo đủ nhân lực, tránh bạo hành và an toàn thực phẩm đều là những vấn đề cần có lời giải đáp.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục, toàn ngành phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chính là nền tảng với vai trò đặc biệt.
Ngoài ra, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Ông lưu ý tất cả cùng nhìn nhận lại quá trình đổi mới vừa qua để có được điều chỉnh về nội dung để hướng tới giáo dục chất lượng và hoàn thiện nhất. Đặc biệt là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học như kết luận của Bộ Chính trị.
"Những kỳ vọng lớn với ngành sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới nhiều thách thức, nhưng cũng đem tới nhiều cơ hội cho ngành Giáo dục", ông nói.
Cô Vũ Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, Yên Bái đại diện cho gần 340 nhà giáo được vinh danh đã bày tỏ cảm xúc của mình khi nhận được danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
>>>> Cập nhật cấu trúc đề thi Đánh giá năng lực năm 2025
Cô được sinh ra và lớn lên tại một huyện vùng núi cao, khó khăn của Yên Bái. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã ước mơ trở thành giáo viên. Khi tốt nghiệp THPT, các bạn của mình đi các ngành như Kinh tế, ngoại ngữ… thì cô vẫn chọn con đường riêng của mình là thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bằng sự nỗ lực, cố gắng của mình, ước mơ ngày bé của cô đã trở thành sự thật.
Đến nay, cô đã công tác được 34 năm trong ngành Giáo dục. Cô luôn nhắc nhở mình tin yêu vào nghề, cống hiến hết mình vào sự nghiệp giáo dục. Và tới nay, khi nhận được danh hiệu này cô càng cần có trách nhiệm và cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với những gì được trao tặng.
"Chúng tôi xin hứa, mỗi thầy cô sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển các trường, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp và học trò, để rồi tất cả cùng cộng hưởng nhiều đời, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại mà vẫn rất Việt Nam. Với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, với hành lang pháp lý và những cơ chế vận hành đang được điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi tin đội ngũ nhà giáo sẽ hoàn thành sứ mệnh lớn lao của mình", cô nói.
Cô Hạnh cho biết thêm năm học 2024-2025 có rất nhiều thách thức khi chương trình phổ thông mới áp dụng ở tất cả bậc học, có lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp với cấu trúc đề mới hoàn toàn. Vì thế, kết quả đổi mới của giáo dục đang được cả xã hội quan tâm.
Lễ trao tặng danh hiệu chính là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung, đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
Trường Cao Đẳng Y Dược Sài Gòn cập nhật