Ban tư vấn Cao đẳng Y Dược TP HCM chia sẻ đến các em học sinh mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn. Các em hãy làm quen trước những dạng đề thi thử này để làm quen với từng dạng đề và củng cố thêm kiến thức nhé!
Phần I: Đề thi thử
1. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4
Ngày xưa, có một vị vua cai trị cả một vương quốc rộng lớn. Một ngày nọ, ông quyết định vi hành đến những vùng đất xa xôi nhất của đất nước. Khi trở về cung điện, ông phàn nàn rằng chân ông rất đau. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là lần đầu tiên ông thực hiện một chuyến đi dài như vậy, trong khi đó, những con đường ông đi qua đều gập ghềnh, sỏi đá. Bực mình vì bị những cơn nhức mỏi hành hạ, ông ra lệnh cho tất cả các con đường trong vương quốc phải được bao phủ bằng da súc vật. Tất nhiên đây là một mệnh lệnh rất khó thực hiện và tốn kém cả về sức người, sức của nhưng vẫn không ai dám khuyên can nhà vua.
Thế rồi cuối cùng, một người hầu khôn ngoan đã dũng cảm đứng ra ngăn cản nhà vua. Anh ta nói:
– Tại sao quốc vương lại có thể tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy ạ? Tại sao Người không cắt những miếng da bò êm ái phủ quanh đôi chân trần của mình?
Như vậy, không những chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá nữa mà cả vương quốc cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, của cải!
Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu, nhưng rồi sau đó ông cũng đã đồng ý. Vậy là đôi giày đầu tiên trong lịch sử đã ra đời.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không cần bắt cả thế giới phải thay đổi theo mình, điều chúng ta cần, đơn giản chỉ là thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân mà thôi.
( Hạt giống tâm hồn, trithucvn.net)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?
Câu 2: Anh (chị) hãy đặt nhan đề cho văn bản.
Câu 3: Theo anh (chị), tại sao Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu?
Câu 4: Anh (chị) có đồng ý rằng mỗi người chúng ta “ không cần bắt thế giới phải thay đổi theo mình” không? Vì sao?
2. LÀM VĂN (7.0điểm)
Câu 1 (2.0điểm): Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, anh /chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc“ thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân” để đạt đến thành công trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0đ): Có ý kiến cho rằng: Với giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc thì dù viết về vấn đề gì, thơ Tố Hữu vẫn luôn dễ đi vào lòng người.
Anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua đoạn thơ sau:
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 Tập 1, NXB GD, 2010, Tr 109)
Phần II: Gợi ý đáp án
1. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là: Tự sự
Câu 2: Có thể đặt nhan đề cho văn bản như: Đừng thay đổi thế giới, Sự ra đời của chiếc giày, Hãy thay đổi bản thân….
Câu 3: Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của người hầu vì:
- Trước đó không ai dám góp ý vì sợ nhà vua sẽ trách mắng
- Lời đề nghị của anh hầu đi ngược lại những điều nhà vua yêu cầu mọi người cần làm.
Câu 4: Nêu lên quan điểm của mình đồng ý hay không đồng ý với ý kiến trên và đưa ra lý lẽ thuyết phục
Ví dụ:
- Đồng ý với quan điểm vì thế giới rộng lớn, bao la nên cá nhân chúng ta không bao giờ có thể thay đổi cục diện. Chúng ta chỉ là “hạt cát” giữa “ sa mạc” bao la nên không thể dùng sức mạnh của mình để cải biên xã hội.
- Không đồng ý vì xã hội chỉ thay đổi nếu mỗi cá nhân ra sức để dựng xây, cố gắng xoay chuyển. Cả cộng đồng cùng thay đổi thì cuộc sống xã hội cũng sẽ chuyển biến theo.
2. LÀM VĂN (7.0điểm)
Câu 1: Gợi ý làm bài:
- Thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân là thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về sự việc, con người của mỗi cá nhân trong những thời điểm khác nhau.
- Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần có tầm nhìn bao quát, nghĩ rộng hơn, suy nghĩ sâu hơn, luôn có thái độ tích cực, lạc quan để giải quyết mọi tình huống một cách thấu đáo.
- Đừng chỉ chìm đắm trong lối suy nghĩ tiêu cực, thất vọng vì những điều diễn ra không như mong muốn. Thay vào đó, hãy nhìn những trở ngại đó là thách thức cần phải vượt qua bằng mọi cách. Người có suy nghĩ tích cực thì cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình.
- Phê phán những người bảo thủ, không chịu thay đổi để thích nghi, dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành động lệch lạc. - Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của việc cần phải thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ. Từ đó tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ, cố gắng thay đổi chính mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi người khác và thế giới.
Câu 2: Phân tích 8 câu thơ để làm rõ nhận định
Dàn ý tham khảo
a..Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị
- Dẫn dắt 8 câu thơ cần phân tích
b. Thân bài: Phân tích 8 câu thơ đầu bài Việt Bắc
* Bốn câu đầu: khơi gợi kỷ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình.
Khung cảnh chia tay bịn rịn giữa kẻ ở và người về
Cách xưng hô "mình – ta”: thân mật gần gũi như trong ca dao
Điệp ngữ và kết cấu tu từ được lặp lại hai lần như khơi dậy bao kỉ niệm. Hai câu hỏi đều hướng về nỗi nhớ, một nỗi nhớ về thời gian “mười lăm năm”, một nỗi nhớ về không gian: sông, núi, nguồn.
-> Đó là khoảng thời gian gắn bó biết bao kỉ niệm của người dân Việt Bắc với người lính
* Bốn câu sau: tiếng lòng của người về xuôi mang bao nỗi nhớ thương, bịn rịn
Từ láy “bâng khuâng” thể hiện sự xao xuyến, “bồn chồn” thể hiện sự không yên tâm trong dạ, không nỡ rời bước
Hình ảnh “áo chàm” chỉ người dân Việt Bắc thân thương giản dị
Cử chỉ cầm tay nhau thay lời nói chứa đầy cảm xúc
* Lời người ở lại nhắn gửi tới người ra đi
- Lời nhắn gửi được thể hiện dưới hình thức những câu hỏi: nhớ về Việt bắc cội nguồn quê hương cách mạng, nhớ thiên nhiên Việt Bắc, nhớ những địa danh lịch sử, nhớ những kỉ niệm ân tình...
- Nghệ thuật:
Liệt kê hàng loạt các kỉ niệm
Ẩn dụ, nhân hóa: rừng núi nhớ ai
Điệp từ “mình”
Cách ngắt nhịp 4/4 đều tha thiết nhắn nhủ người về thật truyền cảm.
⇒ Thiên nhiên, mảnh đất và con người Việt Bắc với biết bao tình nghĩa, ân tình, thủy chung.
c. Kết bài
Đánh giá chung về 8 câu thơ.
Hy vọng với những dạng đề thi thử kỳ thi THPT Quốc gia 2020 môn Văn sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về dạng đề thi chính thức. Tập làm quen trước với các dạng đề thi thử cũng là một trong những phương pháp học tập hiệu quả, qua đó giúp các em củng cố và ghi nhớ thêm các kiến thức trong từng tác phẩm văn học.