Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn, trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP HCM, lưu ý học sinh những điểm mang tính tổng thể để làm tốt đề Ngữ văn tốt nghiệp THPT.
Ngữ văn là bộ môn đặc thù, khi làm bài thi phải viết nhiều. Học sinh phải chú trọng kỹ năng đọc hiểu văn bản, cảm nhận được nội dung để có thể viết thành một bài thi hoàn chỉnh.
Các em nên nắm vững cấu trúc đề thi THPT quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT qua các năm để có định hướng tốt nhất trong quá trình ôn tập, từ đó đặt mục tiêu "săn" điểm cho từng phần, đạt hiệu quả cao nhất.
Với xu hướng ra đề ngày càng đổi mới, mở rộng, nội dung thi không chỉ là những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà bao gồm cả hệ thống ngữ liệu với nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống hàng ngày. Chính điều này sẽ thôi thúc quá trình tự tìm tòi, học hỏi, và thái độ sống của học sinh trước các vấn đề nóng hổi trong xã hội.
Cấu trúc đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT với thời gian làm bài 120 phút gồm:
- Phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm)
- Phần Làm văn (7 điểm)
+ Câu nghị luận xã hội (2 điểm)
+ Câu nghị luận văn học (5 điểm)
Xem thêm: Những sai lầm kinh điển trong ôn thi môn Sinh tốt nghiệp THPT 2021
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn
Phạm vi kiến thức trọng tâm cần lưu ý
- Phần đọc hiểu văn bản:
Qua đề thi các năm, tôi nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra những đề ngày càng sát với thực tiễn và hướng về việc giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh. Ở phần đọc hiểu có 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhằm đánh giá học sinh một cách khách quan nhất đó là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phạm vi ngữ liệu thường được đưa ra là những vấn đề gần gũi với học sinh và phù hợp với nhận thức, trình độ của các em.
Xem thêm: Bốn dạng bài ngữ pháp trong đề tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT
Những vấn đề, sự kiện đời sống, xã hội nóng hổi hiện nay, các em cần lưu tâm tìm hiểu để có vốn kiến thức phục vụ cho bài viết gồm: Ý thức cá nhân, cộng đồng trước Covid-19; tinh thần dân tộc, vấn đề chủ quyền biển đảo; trách nhiệm, cơ hội và thử thách của giới trẻ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; sự phát triển bản thân học sinh, góc nhìn mới về thời đại mới...
- Phần làm văn:
+ Câu 1: Đề nghị luận xã hội được rút ra từ phần đọc hiểu với độ dài khoảng 200 chữ. Vấn đề được nêu trong câu hỏi đều quen thuộc trong cuộc sống.
+ Câu 2: Chiếm nửa số điểm của toàn bài, là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12). Bên cạnh đó là một ý nhỏ nâng cao để phân loại học sinh chiếm 0,5-1 điểm.
Các tác phẩm trong chương trình 12 cần lưu ý bao gồm: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Sóng (Xuân Quỳnh); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).
Để tránh tình trạng thiếu thời gian làm bài dẫn đến không hoàn thành bài thi trọn vẹn, học sinh nên chia và phân bố thời gian hợp lý: Phần đọc hiểu khoảng 20 phút, nghị luận xã hội 20 phút, nghị luận văn học 80 phút. Học sinh phải đọc kỹ đề, hạn chế nháp hoặc ghi quá nhiều trên nháp, tốn thời gian mà chỉ nên ghi các luận điểm chính để triển khai bài làm.
Những vấn đề cần lưu ý trong từng phần
Phần đọc hiểu:
+ Đọc kỹ đoạn ngữ liệu 2-3 lần, xác định được nội dung mà đoạn văn muốn đề cập.
+ Với hệ thống câu hỏi được chia theo 4 mức độ, ở câu 1 và 2, các em chỉ cần áp dụng kiến thức cơ bản để làm bài, trả lời đúng và đủ vấn đề. Ở câu hỏi vận dụng 3 và 4, học sinh làm bài với độ dài 5-7 dòng cho mỗi câu. Các em vận dụng vốn tri thức nền tảng về đời sống, xã hội để nêu lên quan điểm cá nhân. Bài viết cần rõ ràng, mạch lạc, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tránh dẫn dắt lan man vấn đề.
+ Khi viết văn phải trình bày rõ ràng, luận điểm, luận cứ chặt chẽ và thuyết phục. Đối với các câu hỏi, học sinh có thể sáng tạo và đưa quan điểm cá nhân để bài viết thêm sinh động.
Xem thêm:Xét học bạ - Xu thế tuyển sinh mới của các trường đại học
Phần làm văn:
- Dạng viết đoạn văn 200 chữ:
+ Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Diễn dịch, quy nạp...
+ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
+ Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thể hiện sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về vấn đề; biết nhìn nhận cuộc sống thông qua nhiều góc độ, phương diện, từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân, giải pháp; sử dụng thao tác lập luận phù hợp.
+ Dung lượng không quá dài, khoảng 2/3 trang giấy thi.
- Dạng luận văn học:
+ Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
+ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
+ Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
+ Các diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc sẽ có thêm điểm sáng tạo.
Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tổng hợp theo Hồ Ái Linh