Tổng hợp đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn mẫu 4 có kèm theo đáp án trả lời. Trong thời gian này bên cạnh ôn luyện các bạn hãy thử bắt tay vào giải các dạng đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn và các bộ môn khác. Trên cơ sở đó sẽ giúp các em củng cố kiến thức và làm quen trước với cấu trúc đề thi chính thức.
I. Đề thi thử
1. ĐỌC HIỂU(3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4
“Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải là những điều các em thích hay cho là quan trọng. Đừng bực bội vì những việc mà các em không tin tưởng, vì như thế các em sẽ cảm thấy nhàm chán chính bản thân mình. Cũng đừng đem bản thân so sánh một cách lệch lạc với những người như Baltimore Orioles. Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp, cảm giác mọi thứ dường như đều có lí hay cảm giác tự bằng lòng trong trạng thái tinh thần u mê. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng. Và hãy đọc, đọc mọi lúc. đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng mình. Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. hãy là việc cật lực. Hãy nghĩ cho bản thân mình. Hãy yêu tất cả những thứ các em thích và những người các em cảm mến bằng tất cả tấm lòng của mình.. và hãy làm tất cả những điều đó, như thế các em đang bị thúc giục, mỗi giây mỗi phút, từng chữ một. Hãy tin bữa tiệc nào rồi cũng tàn nhưng đừng bao giờ tham gia vào một cuộc vui khi đã đến lúc tàn, cho dù buổi chiều hôm nay có rực rỡ đến mức nào”.
(David McCullough, bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/ chị hiểu câu: “Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời” như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo anh chị, tác giả muốn nhắn gửi điều gì qua câu: “Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải là những điều các em thích hay cho là quan trọng”. (1điểm)
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: “Hãy nghĩ cho bản thân mình” không? Vì sao? (1 điểm)
2. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói được đặt ra trong phần Đọc hiểu: “Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại”.
Câu 2: Về nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng, nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp. Ý kiến khác thì nhấn mạnh : Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người.
Anh/chị suy nghĩ gì về ý kiến trên.
II. Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn
1. Đọc - Hiểu
Câu 1: phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là: Nghị luận
Câu 2: Câu: “Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời” được hiểu là:
Đọc sách là cách nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.
Đó là nguồn sống tinh thần quan trọng không kém nguồn sống vật chất nuôi dưỡng cơ thể con người.
Câu 3: Những điều tác giả muốn nhắn gửi điều gì qua câu: “Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải là những điều các em thích hay cho là quan trọng” là: Để trưởng thành, để trở thành một người có ích, đừng ngại thử thách bản thân, đừng ngại thay đổi, hãy tích lũy kinh nghiệm cho mình. Từ đó biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân từ đó hoàn thiện mình, xác định được con đường đi đúng đắn cho cuộc đời.
Câu 4: Các em có thể đưa ra quan điểm cá nhân là đồng tình hoặc không đồng tình, sau đó đưa ra lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Ví dụ:
- Đồng ý: Vì mọi việc mình làm trước hết vì mình, mình xứng đáng được hưởng thành quả do mình tạo ra. Không thương mình khó có thể yêu thương mọi người , vì: thương người như thể thương thân.
- Không đồng ý: Vì đó là lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ chăm lo cho lợi ích riêng của bản thân.
- Có thể vừa đồng tình, vừa không đồng tình: kết hợp cả hai cách lập luận trên.
2. Làm văn
Câu 1: Hướng dẫn làm bài
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại
- Đưa ra lý lẽ và dẫn chứng bảo vệ quan điểm của mình
Ví dụ:
- Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại là hãy nghĩ đến và khao khát làm những việc lớn lao.
- Những suy nghĩ và khao khát đó sẽ trở thành động lực để đạt được những điều mình mong muốn.
- Nếu giấc mơ quá sức, hoặc thiếu cơ sở thực tế dễ rơi vào hoàn cảnh “lực bất tòng tâm”, dễ thất bại, thất vọng về bản thân.
- Nhưng cũng cần trân trọng những ước mơ tuy nhỏ bé nhưng có nghĩa lớn lao. Cũng cần phê phán những con người không biết ước mơ.
- Cần nhận thức đúng về ý nghĩa câu nói để hành động xứng đáng
Câu 2: Gợi ý làm bài
1. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và vấn đề cần nghị luận
Ví dụ:
- Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, đồng thời là người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học sau năm 1975. Ở giai đoạn trước, ngòi bút của ông theo khuynh hướng sử thi, thời kì sau chuyển sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh , có nhiều đổi mới trong nghệ thuật viết truyện.
- “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu ở thời kì sau. Tác phẩm kể về chuyến đi thực tế của Phùng- một nghệ sĩ nhiếp ảnh, qua đó thể hiện cách nhìn sâu sắc của tác giả về cuộc sống và sự băn khoăn về thân phận con người.
2. Đi vào phân tích, chứng minh, nghị luận
* Giải thích cho ý kiến:
- Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp: khả năng khám phá, phát hiện tinh tế và sự rung động mãnh liệt trước những vẻ đẹp phong phú trong cuộc sống.
- Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người: mối quan tâm thường trực đến số phận con người, nhất là những mảnh đời bất hạnh, thái độ bất bình trước những ngang trái cuộc đời.
* Cảm nhận về nhân vật Phùng:
- Một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp:
- Phùng tinh tế, nhạy bén, nắm bắt được cảnh đẹp trời cho -> mải mê, say sưa cảm nhận và thưởng lãng, vồ vập nắm bắt và háo hức ghi vào ống kính điêu luyện của mình.
- Niềm hân hoan của khám phá và sáng tạo đã tràn ngập tâm hồn khi Phùng chìm đắm trong những suy tưởng về sự thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện, về sự tận thiện và tận mĩ của nghệ thuật và cuộc sống.
- Một tấm lòng trăn trở, lo âu về thân phận con người:
- Thái độ khi chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài: sửng sốt, bức xúc, căm phẫn, xông vào can thiệp để bảo vệ người đàn bà hàng chài…
- Lắng nghe, day dứt với chuyện đời người đàn bà hàng chài; lo lắng, ám ảnh về thân phận và tương lai của họ - nhất là bé Phác.
- Từ đó, Phùng đã có những thay đổi quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật phải đến gần hơn cuộc sống, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vị nhân sinh; người nghệ sĩ cũng phải đến gần với cuộc sống và con người, không được có cái nhìn thờ ơ, vô cảm. Nhân vật Phùng là đại diện tiêu biểu cho người nghệ sĩ chân chính với niềm đam mê nghệ thuật và trái tim nhạy cảm, nhân hậu.
* Nghệ thuật thể hiện:
- Nghệ thuật trần thuật
- Vai trò người kể chuyện: Phùng vừa là một nhân vật trong truyện, vừa là người kể chuyện tạo nên tính đa dạng về điểm nhìn. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, Phùng được khắc họa với đời sống nội tâm sâu sắc.
- Nhân vật được đặt trong tình huống đặc biệt (tình huống nhận thức). Nhân vật phải liên tiếp đối mặt với những cảnh đời trái ngược qua đó làm nổi bật lên các bình diện nhân cách của nhân vật nghệ sĩ.
Trên đây các thầy/ cô trong Ban tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn đã chia sẻ đến các em đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn mẫu 4. Cấu trúc đề thi chính thức sẽ tương tự, vì vậy các em hãy xem đây là tài luyện ôn tập và củng cố thêm những kiến thức để có thể đạt được kết quả cao trong kỳ thi thpt quốc gia sắp tới.